Hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Thanh Hoá

10:04 - 21/04/2024

Quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống thiên tai Thanh Hoá cho biết, từ năm 2012 đến nay toàn tỉnh đã thu được trên 148 tỷ đồng từ dịch vụ phát triển rừng và phòng chống thiên tai. Từ nguồn kinh phí này, hàng năm đã tiến hành chi trả cho 22 chủ rừng tổ chức, 516 cộng đồng dân cư thôn bản và trên 2.500 hộ gia đình cá nhân.

Những năm qua diện tích rừng được giao khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân luôn đạt bình quân 26 nghìn ha trong năm. Tỷ lệ che phủ tại đây cũng đạt cao nhất tỉnh, với 97%. Kết quả này một phần đến từ việc làm tốt chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân. Cụ thể, đơn vị đã triển khai công tác giao khoán bảo vệ rừng cho các cá nhân, cộng đồng dân cư tại 5 xã vùng đệm. Riêng quí 1 năm 2024, diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã đạt trên 6.200 ha.

Hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Thanh Hoá- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bình, Xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Thôn chúng tôi đã sử dụng một phần tiền để chi trả ngày công cho anh em tuần tra bảo vệ rừng, anh em lại sử dụng để phát triển kinh tế hộ gia đình như mô hình chăn nuôi, mô hình trồng cây, trồng rừng, góp một phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của địa phương".

Hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Thanh Hoá- Ảnh 2.

Ông Ngô Xuân Thắng, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá

Ông Ngô Xuân Thắng, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Tình hình an ninh rừng trên địa bàn ổn định, do người dân, cộng đồng địa phương có nguồn thu phập, phát triển, xây dựng các cơ sở hạ tầng".

Thanh Hóa hiện có hơn 648 nghìn ha rừng, trong đó có 399 nghìn ha rừng tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cá nhân hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng đều phải trả phí. Quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hoá đã triển khai nhiều giải pháp để các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng chấp hành tốt nghĩa vụ, kê khai và nộp đầy đủ tiền dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời tiếp tục rà soát để mở rộng nguồn thu từ nuôi trồng thủy sản, các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ có sử dụng nguồn nước.

Hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Thanh Hoá- Ảnh 3.

Hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Thanh Hoá- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ, Phát triển rừng Thanh Hoá

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ, Phát triển rừng Thanh Hoá chia sẻ: "Dự kiến năm 2024, chúng tôi thực hiện thí điểm chi trả carbon rừng, chi trả trên 50 tỷ đồng cho các hộ gia đình, cá nhân cũng như các tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. Trong việc xã hội hoá nghề rừng, đối với 2 lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống thiên tai, chúng tôi đã huy động các nguồn lực góp phần giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước".

Hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Thanh Hoá- Ảnh 5.

Trong các năm qua bình quân mức chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh luôn đạt 150.000 đồng/ha rừng/năm, lưu vực cao nhất 300.000 đồng/ha, lưu vực thấp nhất 20.000 đồng/ha. Đến hết quí 1/2024, toàn tỉnh đã thu tiền dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 8 tỷ đồng. Việc thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng đã và đang góp phần đảm bảo an ninh rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm áp lực ngân sách nhà nước đối với việc phát triển rừng, đồng thời nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng rừng thay thế được 7.600 ha. Toàn bộ diện tích rừng thay thế đang được chăm sóc, bảo vệ, cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Nguồn: Bản tin Thời sự THNM ngày 21/4/2024