Hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong lấy mật

07:35 - 26/04/2023

Nhờ tận dụng được lợi thế tự nhiên về rừng, đất trồng cây ăn quả, trong những năm qua, nghề nuôi ong lấy mật ở Thanh Hóa đã phát triển mạnh, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.

Gia đình bà Nguyễn Thị Dung, ở khu phố 1, Thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành có 21 ha rừng sản xuất, trong đó có 12 ha trồng cây mắc ca và 9 ha trồng cây ăn quả. Tận dụng lợi thế này, gia đình bà đã phát triển nghề nuôi ong dưới tán rừng. Đến nay, với hàng trăm đàn ong đã cho sản lượng mật từ 1 đến 1,5 tấn, mang lại thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng.

Hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong lấy mật  - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Dung - Khu phố 1, Thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa

Bà Nguyễn Thị Dung - Khu phố 1, Thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Gia đình tôi thấy nuôi ong dưới tán cây rừng rất có hiệu quả. Vừa có thể tận dụng được cây tự nhiên, nhất là hoa mắc ca đem lại giá trị kinh tế cao gấp 3 đến 4 lần các loại mật ong khác."

Cách đây hơn 20 năm, gia đình ông Vũ Mạnh Tường, ở thôn Đầm Sen, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung bắt đầu nuôi ong. Nhờ mang lại hiệu quả kinh tế, đến nay, từ 2 - 3 đàn ong, gia đình ông đã phát triển được trên 150 đàn. Hàng năm sản lượng mật ong thu được đạt trên 2 tấn, cho thu nhập đạt trên 200 triệu đồng.

Hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong lấy mật  - Ảnh 3.

Tại huyện Hà Trung, với lợi thế 2/3 diện tích tự nhiên là đất đồi rừng nên nhiều hộ dân đã phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hàng nghìn hộ nuôi ong, với trên 5.100 đàn ong, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho các hộ dân, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương một cách hiệu quả.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 13.000 hộ nuôi ong, với khoảng 105.000 đàn, chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi như: Thạch Thành, Thường Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy…Mỗi năm, sản lượng mật ong toàn tỉnh đạt khoảng 180.000 lít, với giá trị trên 50 tỷ đồng. Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả từ nghề nuôi ong, một số địa phương đã định hướng và xây dựng thành công sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong lấy mật  - Ảnh 5.

Có thể thấy, nghề nuôi ong lấy mật ở Thanh Hóa đang ngày càng khẳng định rõ hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi ong vẫn dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Các sản phẩm từ ong có chất lượng tốt song lại chưa có được thương hiệu và thị trường tiêu thụ ổn định. Vì vậy, các địa phương cần hỗ trợ người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm mật ong. Có như vậy, nghề nuôi ong lấy mật mới thực sự có điều kiện phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn. 

Nguồn: Bản tin THNM/TTV