Hội thảo khoa học quốc gia “Xứ Thanh – Đa dạng văn hoá và phát triển bền vững”
Sáng 13/11, Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Xứ Thanh - Đa dạng văn hóa và phát triển bền vững”. Tham dự hội thảo có đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh; đại diện các sở, ngành cấp tỉnh; các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang khẳng định ý nghĩa của Hội thảo khoa học quốc gia "Xứ Thanh - Đa dạng văn hóa và phát triển bền vững" trong việc đóng góp xây dựng các chính sách về bảo tồn văn hóa; đồng thời góp phần tuyên truyền, khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của vùng đất và con người xứ Thanh trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang mong muốn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các chuyên gia sẽ tiếp tục có những đóng góp, hỗ trợ nhiều hơn trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, để tỉnh Thanh Hóa bứt phá mạnh mẽ, hoàn thành mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực phía Bắc và cả nước.
Hội thảo quốc gia "Xứ Thanh - Đa dạng văn hóa và phát triển bền vững" thu hút sự quan tâm đông đảo của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu trong cả nước; các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện, Viện nghiên cứu, Trung tâm Bảo tồn di sản...Ban tổ chức đã nhận được hơn 80 bài tham luận, trong đó có 57 bài tham luận đã được lựa chọn đưa vào kỷ yếu hội thảo.
Các tham luận tại hội thảo tập trung khẳng định tính đa dạng của văn hóa, sự giàu có về di sản văn hóa của Thanh Hóa với những di sản được xếp hạng cỡ thế giới và quốc gia thành nhà Hồ; Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn, thắng cảnh Sầm Sơn... Nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý báu như: Lễ hội đền Bà Triệu, Lễ hội Mường Xia, Hát sắc bùa của người Mường, lễ hội Trò Chiềng (Yên Định), Trò diễn Xuân Phả, lễ hội Pồn Pôông... Bên cạnh đó, xứ Thanh còn có 160 lễ hội truyền thống, 50 lễ hội liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
Để phát huy các giá trị văn hóa vì sự phát triển bền vững, các nhà khoa học đề xuất các giải pháp về bảo vệ, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; Bảo vệ và khai thác giá trị di sản văn hóa tộc người trong phát triển kinh tế du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa. Phát huy giá trị văn hoá và con người Thanh Hoá trong mối quan hệ hài hòa, bình đẳng, tạo thành sức mạnh nội sinh, nguồn sức mạnh để Thanh Hóa phát triển bền vững.