Hướng nghiệp sớm cho học sinh
Hiện nay, các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đang đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp để học sinh có thông tin, lựa chọn nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội.
Khi định hướng nghề nghiệp, học sinh sẽ cần xác định được một số yếu tố quan trọng đó là sở thích, đam mê, tính cách, năng lực, nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít học sinh đến khi sắp tốt nghiệp phổ thông rồi vẫn không biết mình thích và hợp với ngành nào? Vì vậy, hoạt động hướng nghiệp và trải nghiệm nghề nghiệp từ sớm sẽ giúp ích cho các em rất nhiều.

Bà Lê Thị Ngoan, Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung, thành phố Thanh Hóa
Bà Lê Thị Ngoan, Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung, thành phố Thanh Hóa cho biết: "Với học sinh THCS nói chung và học sinh lớp 9 nói riêng, chúng tôi hướng nghiệp và phân luồng học sinh là việc làm thường xuyên hàng năm. Ngoài việc học trên lớp chúng tôi tích hợp vào các môn học để cho học sinh phát huy sở trường định hướng tương lai. Chúng tôi cũng kết hợp giữa nhà trường và gia đình để định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho các em".
Giáo dục hướng nghiệp đã đưa vào môn học hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ngay từ đầu năm lớp 6. Ngoài ra nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội nhằm trang bị kiến thức, hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Hiện, công tác tư vấn hướng nghiệp đã được các trường THCS, THPT thực hiện bằng nhiều hình thức như: lồng ghép vào các buổi sinh hoạt lớp, các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp và một số môn học… Các thầy, cô giáo tăng cường vai trò " chuyên gia" tư vấn hướng nghiệp, đồng hành cùng các học sinh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thế, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS & THPT Hồng Đức, thành phố Thanh Hóa
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thế, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS & THPT Hồng Đức, thành phố Thanh Hóa cho biết thêm: "Cách triển khai hướng nghiệp sớm cho các em có nghĩa là ngay từ khi các em chuyển sang chương trình trung học cơ sở thì các em đã được học phân môn này, vì thế tâm lý lứa tuổi các em còn đang rất là non nớt, cho nên việc lựa chọn các nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp của các em đôi khi còn mang tính cảm tính, có nghĩa là những nghề nghiệp mà các em lựa chọn sau này các thông tin chưa được đầy đủ".
Trước tình trạng " thừa thầy, thiếu thợ" như hiện nay, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ bậc học THCS là vấn đề cốt lõi giúp các em có nhận thức đúng trong việc lựa chọn ngành học và nghề nghiệp tương lai. Về lâu dài sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.