Huyện Nga Sơn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

08:28 - 18/04/2023

Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, những năm qua, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh từng vùng, nâng cao giá trị canh tác và thu nhập cho nông dân, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Nhiều năm trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Hằng, thôn Đồng Xuân, xã Nga Thành nuôi lợn, dịch bệnh thường xuyên nên không có thu nhập. Năm 2021, được xã cho cho đi học tập các mô hình kinh tế, gia đình bà Hằng đã liên kết với doanh nghiệp ở Ninh Bình chuyển đổi sang nuôi dê thương phẩm. Theo đó, gia đình bà được công ty cung cấp con giống, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.Với quy mô 600 con/lứa, trung bình mỗi năm gia đình bà xuất chuồng 2,5 lứa, trừ chi phí cho thu lãi 600 nghìn/con.

 Huyện Nga Sơn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi - Ảnh 2.

Từ năm 2010, huyện Nga Sơn đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế. Trên cơ sở đó, huyện Nga Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư hợp tác với nông dân, hình thành các chuỗi liên kết bền vững. 

 Huyện Nga Sơn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi - Ảnh 3.

Huyện cũng đã vận động người dân tích tụ, tập trung đất đai, quy hoạch các vùng trồng trọt, khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Mặt khác, triển khai các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ như: trồng rau, quả trong nhà lưới, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, trang trại chăn nuôi quy mô lớn…

 Huyện Nga Sơn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi - Ảnh 4.

Ông Ngô Văn Cường, phó Chủ tịch UBND xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Ngô Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực hiện kế hoạch số 24 của UBND xã về chuyển đổi quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế mô hình hiệu quả kinh tế cao, xã đã thực hiện chuyển đổi 51 ha mô hình ươm tôm, nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cá mang lại hiệu quả rất cao cho các hộ gia đình.

Đến nay, toàn huyện đã tích tụ, tập trung đất đai được 135 ha, nâng tổng diện tích lên gần 470 ha trồng rau màu, cây ăn quả, trong đó có 36 ha sản xuất trong nhà màng, nhà lưới. Toàn huyện cũng đã phát triển được 997 trang trại, trong đó có 50 trang trại đạt tiêu chí; 10 ha nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV