Khó thực hiện Đề án xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đúng lộ trình

09:25 - 04/04/2024

Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án 358 của Chính Phủ và kế hoạch 118 của UBND tỉnh Thanh Hóa, hàng chục lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh đã được xóa bỏ. Tuy nhiên, với tiến độ như hiện nay, việc thực hiện mục tiêu đến năm 2025 xử lý dứt điểm toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt theo kế hoạch được dự báo là sẽ khó hoàn thành.

Trên địa bàn huyện Nông Cống có 17 lối đi tự mở qua đường sắt, tập trung ở các xã: Hoàng Giang, Tế Tân, Tế Nông, Tượng Lĩnh, Tượng Sơn. Mặc dù cơ quan quản lý đường sắt và các cấp chính quyền đã có nhiều nỗ lực, thế nhưng sau hơn 3 năm thực hiện Đề án 358 của Chính Phủ và kế hoạch số 118 của UBND tỉnh Thanh Hóa về xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, địa phương này mới chỉ xóa được duy nhất 1 lối đi tự mở tại Km 190 thuộc xã Tế Tân.

Khó thực hiện Đề án xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đúng lộ trình- Ảnh 1.

Tại thị xã Nghi Sơn, mặc dù có tới 26 lối đi dân sinh tự mở qua đường sắt, nhưng trong hơn 3 năm qua vẫn chưa xóa được lối đi nào.

Khó thực hiện Đề án xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đúng lộ trình- Ảnh 2.

Theo Công ty cổ phần quản lý đường sắt Thanh Hóa, trên suốt chiều dài 101 km đường sắt qua địa bàn tỉnh do đơn vị quản lý, ngoài 69 đường ngang hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền mở, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn giao thông, có tới 109 đường ngang dân sinh tự mở, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông. Thực hiện Đề án 358 của Chính Phủ và kế hoạch số 118 của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong 2 năm 2020 và 2021, Công ty đã phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, rào đóng 31 lối đi tự mở qua đường sắt thuộc địa bàn các huyện Hoằng Hóa, Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn. Thế nhưng từ năm 2022 đến nay, không xóa bỏ thêm được đường ngang dân sinh nào.

Khó thực hiện Đề án xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đúng lộ trình- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Trần Trung, Phó trưởng Phòng kỹ thuật an toàn, Công ty cổ phần quản lý đường sắt Thanh Hóa

Ông Nguyễn Trần Trung, Phó trưởng Phòng kỹ thuật an toàn, Công ty cổ phần quản lý đường sắt Thanh Hóa cho biết: "Bên cạnh có nhiều lối đi chỉ vào 1 hộ dân, hiệu quả không cao, nguyên nhân chính khiến công tác xóa lối đi chậm là bởi, theo quy định tại Đề án 358 của Chính Phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt giai đoạn 2020 - 2025 phê duyệt hơn 243 tỷ nhưng hiện nay nguồn vốn này vẫn chưa được bố trí kịp thời".

Trong khi chờ bố trí nguồn vốn thực hiện đề án xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, Công ty cổ phần quản lý đường sắt Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an giao thông tạm thời, như: xây gờ giảm tốc, lắp đặt biển báo hiệu, đèn cảnh báo; tổ chức thu hẹp lối đi để hạn chế xe cộ qua lại. Đồng thời, tăng cường quản lý để không để phát sinh mới lối đi tự mở qua đường sắt. Tuy nhiên, với số lượng 78 đường ngang dân sinh tự mở đang tồn tại như hiện nay, việc thực hiện mục tiêu xóa bỏ toàn bộ đường ngang dân sinh tự mở vào năm 2025 theo Đề án 358 và Kế hoạch 118 là rất khó hoàn thành.

Nguồn: Bản tin Thanh Hoá ngày mới 3/4