Kỳ vọng vào bộ luật nghiêm minh để phòng, chống bạo lực gia đình

09:13 - 26/11/2022

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với 465 đại biểu tán thành, chiếm 93,37%. Những điểm mới trong bộ luật được kỳ vọng sẽ góp phần phòng chống bạo lực gia đình hiệu quả, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương và 56 điều có 5 nhóm mới, như: Sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam; phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng; sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý hành vi bạo lực gia đình, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn…

Chị Trần Thị Thuý - Nhân viên công tác xã hội Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hoá chia sẻ:"Vai trò của công an xã, của Chủ tịch xã đã được xác lập, họ có quyền yêu cầu người gây bạo lực đến trụ sở công an để làm việc. Chủ tịch UBND xã có quyền quyết định về lệnh cấm tiếp xúc không quá 3 ngày. Trong thời gian đó, người bị bạo lực có quyền chọn chỗ ở. Như thế việc có ngôi nhà Ánh Dương rất tích cực. Ở chỗ chúng tôi cung cấp địa chỉ tạm lánh an toàn, hỗ trợ y tế, hỗ trợ về tư pháp đối với người bị bạo lực. Luật cũng hướng dẫn thủ tục căn cứ để thành lập các cơ sở trợ giúp xã hội, khuyến khích xã hội hóa".

Kỳ vọng vào bộ luật nghiêm minh để phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 2.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi được đánh giá đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn theo hướng tiếp cận và bảo đảm quyền con người, tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, để Luật đi vào thực tiễn cuộc sống thì cần phải có sự vào cuộc của các ngành, cơ quan chức năng.

Kỳ vọng vào bộ luật nghiêm minh để phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 3.

Bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch

Bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: "Tới đây, các cơ quan liên quan sẽ phải cùng nhau phối hợp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đưa luật đi vào thực tiễn. Về phía Bộ Văn hoá thì trước hết, chúng tôi sẽ tham mưu để trình Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể để triển khai luật, trong đó có các Nghị định, Thông tư liên quan để khi luật có hiệu lực thì các văn bản hướng dẫn cũng đã được ban hành đảm bảo tính thống nhất. Thứ 2 là chúng tôi sẽ ban hành Kế hoạch tổng thể về tuyên truyền, phổ biến Luật phòng chống bạo lực. Thứ 3 là chúng tôi sẽ hướng dẫn chính quyền địa phương để chuẩn bị nguồn lực để thực thi các quy định pháp luật mà luật đã quy định. Thứ 4 chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ xây dựng cơ chế liên ngành. Cuối cùng, chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra luật phòng chống bạo lực gia đình".

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để "phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả", nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. 

Nguồn: Bản tin THNM ngày 26/11