Men say bản Bút
“Về với em, anh nhé!Về Nam Xuân anh nhé!Về với bản làng em. Nơi núi cao luồng xanh bạt ngàn. Về ngắm hồ Pha Đay, ngắm ruộng bậc thang thơm thơm mùi lúa mới. Về với em anh nhé! Về cùng ngủ nhà sàn, cùng ăn cơm lam. Đêm trăng vẳng tiếng cồng gọi bạn. Âm vang cắc công nhịp chày khua luống. Ấm áp điệu xòe, khúc hát “Inh lả ơi”. Có một địa điểm mà mỗi khi đến bản Bút hầu hết du khách đều muốn khám phá, chinh phục, đó là hồ nước Pha Đay.
Bản Bút, nơi có những huyền tích gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của mường Ca Da xưa và Quan Hóa ngày nay.

Cái tên Bản Bút bắt nguồn từ những câu chuyện kể trong dân gian. Sau một trận chiến đấu ác liệt giữa nghĩa quân Lam Sơn với giặc Minh, các binh sĩ nghĩa quân đã về bản này xin ăn cơm, nhưng vì đến muộn bà con chỉ còn cơm thiu để mời. "Thiu" trong tiếng Thái là "bút". Có lẽ, cái tên bản Bút được gọi từ đó đến nay.
Có một địa điểm mà mỗi khi đến bản Bút hầu hết du khách đều muốn khám phá, chinh phục, đó là hồ nước Pha Đay nằm trên đỉnh núi, cao hơn 1.200 mét so với mặt nước biển, với diện tích rộng khoảng 2,2 ha.

Hồ nước Pha Đay nằm trên đỉnh núi, cao hơn 1.200 mét so với mặt nước biển
Từ bản Bút lên hồ Pha Đay dài khoảng 4 cây số, đường đã được đổ bê tông nhưng khá hẹp, chỉ đủ để một xe bán tải hai cầu di chuyển. Quãng đường không dài nhưng rất quanh co, hiểm trở, có nhiều đoạn dốc khoảng30 đến 40 độ, đòi hỏi người điều khiển phương tiện phải luôn thật bình tĩnh và can đảm để xử lý tình huống. Phương án tốt nhất là nhờ người dân bản địa dẫn đi bằng xe máy cài số.
Chị Phạm Thị Nhị, hiện đang là Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân giới thiệu cho chúng tôi về cái hồ độc đáo "có một không hai" ở vùng đất Quan Hóa này.
Hồ Pha Đay là một "món quà" từ thiên nhiên, núi rừng ban tặng cho người dân bản Bút, nói riêng, xã Nam Xuân, nói chung. Từ nguồn tài nguyên quý giá này, bà con dân bản đã có dòng nước trong mát để sinh hoạt và trồng trọt. Có lẽ, hàng ngàn năm về trước, nhờ có dòng nước của Pha Đay chảy xuống mà bà con đã tìm ra phương pháp khai hoang, đào rãnh, đắp bờ, hình thành nên một cánh đồng ruộng bậc thang bát ngát, kéo dài từ đầu bản tới cuối bản, lên đến hơn 10 ha.

Những "bờ xôi, ruộng mật" đã góp phần mang lại cuộc sống ấm no, trù phú cho dân bản qua nhiều thế hệ. Đối với người dân bản Bút, ruộng bậc thang không chỉ là nguồn sinh kế chủ yếu mà còn là "tài sản" của cha ông để lại, cần được bảo vệ và giữ gìn.

Ruộng bậc thang là điểm nhấn, nơi dừng chân lý tưởng của du khách muôn phương khi về với bản Bút. Nếu có ý định lưu lại những bức hình tuyệt đẹp với ruộng bậc thang, du khách hãy lựa chọn các thời điểm trong năm là tháng 4, tháng 5, hoặc tháng 9, tháng 10, khi những cây lúa bắt đầu trổ bông và chín vàng. Thong dong trên các cung đường uốn lượn quanh bản, cảm nhận không khí trong lành, mát mẻ của rừng núi và mùi hương thoáng dịu của mùa lúa mới, nạp thêm năng lượng tích cực, vơi đi những phiền muộn trong cuộc sống.
Chị Phạm Thị Tuyết, chủ Homestay A Béo chuẩn bị nhiều món ăn dân dã, đậm đà hương vị núi rừng để thết đãi chúng tôi. Và tôi đã được trực tiếp trải nghiệm các công đoạn chế biến, nêm nếm vài món ăn truyền thống cùng với chị Tuyết.
Ngoài món đặc sản "pá pon", bản Bút còn có nhiều món đặc sản như: "pá pon"gà đồi, măng chua nướng trên ống nứa và nhiều món ăn khác như: cơm nếp nương, "chẳm chéo", măng đắng, măng bương, rau rừng… Tất cả các món ăn đều được chế biến từ nguồn thực phẩm có sẵn trong bản, tươi ngon và đảm bảo an toàn.

Nhấp một chén rượu siêu men lá với hương vị cay nồng, thưởng thức một miếng cá suối hấp thơm ngon, một chút hương vị ngọt thanh của thịt gà và măng chua, các món ăn hòa quyện với những gia vị mắc khén, hạt dổi… Tất cả tạo nên một không gian ẩm thực đậm đà hương vị núi rừng.

Được nghe những câu chuyện dân gian giàu chất sử thi, khám phá phong cảnh núi rừng kỳ thú, trải nghiệm văn hóa ẩm thực, hòa mình trong những câu khặp, điệu múa, tiếng cồng chiêng, khua luống… Những trải nghiệm tuyệt vời ấy là chất men say, làm mê đắm bao du khách khi về với bản Bút.