Lan tỏa bản sắc văn hóa Thái từ du lịch cộng đồng ở bản Bút
Sản phẩm du lịch cộng đồng ngày càng khẳng định được sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế. Để loại hình du lịch này phát triển, huyện Quan Hóa đã chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng dân cư tại các thôn bản. Với những yếu tố như cảnh quan thiên nhiên đẹp, sự phong phú, đa dạng, nét riêng có trong văn hóa truyền thống bản địa, những năm gần đây, du lịch cộng đồng huyện Quan Hóa đã và đang có những tín hiệu vui. Đặc biệt là ở những bản làng dân tộc Thái, nơi có các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa, loại hình du lịch cộng đồng đang là xu thế mới trong phát triển kinh tế. Bản Bút, xã Nam Xuân là một trong những điểm đến lý thú trên địa bàn huyện Quan Hóa, ngày càng được nhiều du khách quan tâm.
Phong cảnh đẹp; homestay đạt tiêu chuẩn; người dân thân thiện, mến khách… là những ấn tượng ban đầu khi du khách được trải nghiệm du lịch cộng đồng của người Thái ở bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa.
Bằng niềm đam mê, tâm huyết với văn hóa dân tộc mình, từ năm 2019, gia đình chị Phạm Thị Tuyết đã xây dựng homstay A Béo. Homstay đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bất cứ du khách nào từng đặt chân đến. Với chị Tuyết, làm du lịch cộng đồng không chỉ vì mục đích mưu sinh, mà còn là cách để chị gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Thái ở bản Bút. Để giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến du khách, chị luôn chăm chút, tỉ mỉ trong từng bữa ăn, để thực khách được thưởng thức những món ngon mang đậm hương vị núi rừng. Bên cạnh đó, chị còn dành một không gian nhỏ để trưng bày, giới thiệu những sản phẩm thổ cẩm do chính bàn tay bà con nơi đây làm ra.
Bản Bút là nơi định cư của 105 hộ dân tộc Thái. Những nếp nhà sàn truyền thống với nét kiến trúc đặc trưng là điểm nhấn trong bức tranh tuyệt đẹp của miền sơn cước này… Cách thị trấn chỉ khoảng 10 km, nằm trong một vùng thung lũng rộng lớn, bao quanh là hơn 1.000 ha rừng nguyên sinh, nên khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ và trong lành.
Bản Bút còn có hồ Pha Đay, diện tích khoảng 2,2 ha nằm trên đỉnh núi có độ cao 1.200 m so với mực nước biển. Du khách đến đây có thể chèo thuyền trên hồ để trải nghiệm và ngắm nhìn phong cảnh.
Ông Hà Công Chức, Trưởng bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi chú trọng tuyên truyền bà con, làm du lịch nhưng nhất định phải giữ bản sắc dân tộc... Để bà con làm du lịch chuyên nghiệp hơn, huyện đã tổ chức cho những hộ làm du lịch đi tham quan các mô hình du lịch cộng đồng ở các tỉnh phía Bắc".
Bà Lương Thị Nhã đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", được chứng kiến bản làng đổi thay từng ngày là điều bà mừng vui, phấn khởi nhất. Khi du lịch cộng đồng bản Bút phát triển, bà mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống; ngày càng nhiều người biết nghề để tạo ra những sản phẩm hàng hóa giới thiệu với du khách gần xa.
Bà Lương Thị Nhã, bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa cho biết: "Ngày xưa phụ nữ ai cũng biết dệt, để thêu thùa chăn, màn, áo váy phục vụ nhu cầu gia đình. Bây giờ ngày càng hiện đại, nhiều cháu cũng không còn mấy quan tâm đến nghề dệt. Bà lúc nào cũng mong muốn và sẵn sàng truyền dạy cho bất cứ ai muốn học dệt. Những năm gần đây, khi du lịch phát triển thì nghề truyền thống cũng được quan tâm khôi phục, bà cũng rất phấn khởi".
Điều đáng mừng là mặc dù bản làng ngày một đổi thay, phát triển hơn, nhưng những nếp nhà sàn truyền thống vẫn hiện hữu giữa không gian xanh của núi rừng; vẫn còn hình ảnh các bà, các mẹ, những thiếu nữ Thái duyên dáng trong bộ sắc phục truyền thống; dưới những ngôi nhà sàn vẫn còn lách cách tiếng thoi đưa… Đây cũng chính là sự khác biệt, là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với bản Bút ngày một nhiều hơn.
Homestay Minh Huy mới hoạt động gần 1 năm nhưng cũng thu hút nhiều lượt khách đến check in, bởi phong cách đậm chất dân tộc, từ cách bài trí đến không gian trưng bày các dụng cụ cồng chiêng, các bộ váy áo Thái…
Để homestay đi vào hoạt động được như ngày hôm nay, chị Hà Thị Tuôn đã mất một thời gian dài để lên ý tưởng và hiện thực hóa. Từ kinh nghiệm tích lũy trong những chuyến tham quan ở các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Hòa Bình, chị đã biết cách bài trí để tạo không gian hài hòa, mang đậm sắc màu văn hóa Thái. Ngoài bố trí nơi ăn uống, nghỉ dưỡng chu đáo, homestay của chị còn kết nối với đội văn nghệ của bản, sẵn sàng phục vụ khi du khách muốn thưởng thức các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Thái.
Chị Hà Thị Tuôn, bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa chia sẻ: "Là một người phụ nữ Thái, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, tôi rất muốn được góp một phần nhỏ của mình cho sự phát triển của làng bản. Homestay này là tâm huyết của tôi, trước hết tôi mong tạo được việc làm cho mọi người trong gia đình. Trong tương lai tôi sẽ phát triển để tạo thêm nhiều việc làm cho bà con trong thôn bản".
Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại bản Bút, xã Nam Xuân, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm và hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.
Khai thác tiềm năng, lợi thế tự nhiên gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch; đây đang là hướng đi mới, góp phần tạo nên những "gam màu sáng" cho bức tranh kinh tế - xã hội ở các bản làng vùng cao xứ Thanh. Với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, ẩm thực đa dạng và độc đáo, sự nỗ lực của địa phương cùng tấm lòng hiếu khách của đồng bào Thái nơi đây, tin rằng, bản Bút sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn trong tương lai không xa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.