Nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo

09:24 - 13/04/2023

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã đào tạo được hơn 45.500 lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%. Để tỷ lệ lao động qua đào tạo và số lao động được tạo việc làm mới tăng đều qua các năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tập trung đổi mới, đa dạng hóa các loại hình đào tạo theo hướng hiện đại, linh hoạt, liên thông, chất lượng và hiệu quả.

Lựa chọn học nghề để tiết kiệm thời gian, chi phí, vững tay nghề sau khi ra trường, các bạn trẻ này đã có nhiều cơ hội việc làm khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo - Ảnh 2.

Em Nguyễn Duy Hưng, Lớp 10K1, Trường Trung cấp Nghề Kỹ nghệ Thanh Hóa cho biết: "Bản thân tôi học nghề ô tô và nghề điện, rất thịnh hành hiện nay. Tôi đã có doanh nghiệp xin và tiếp nhận sau khi ra trường".

Đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp… tăng cường cơ sở vật chất hiện đại…nâng cao trình độ chuyên môn dạy nghề của giáo viên... liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm sau đào tạo…linh hoạt thời gian đào tạo giúp học sinh nâng cao kỹ năng nghề. 

Nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo - Ảnh 3.

Đó là cách mà trường Trung cấp Nghề Kỹ nghệ Thanh Hóa đang thực hiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo các nghề: may, sửa chữa thiết bị may, công nghệ thông tin, ô tô, mộc, trang trí nội thất. Theo thống kê, đa số học sinh sau khi tốt nghiệp đều tiếp cận ngay với công việc, được đơn vị tuyển dụng đánh giá cao.

Nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo - Ảnh 4.

Thạc sĩ Trần Đăng Thành, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Kỹ nghệ Thanh Hóa

Thạc sĩ Trần Đăng Thành, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Kỹ nghệ Thanh Hóa cho biết: "Hiện nay, đối với nghề sửa chữa, nghề may, chúng tôi đào tạo hàng trăm lao động tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường rất mạnh dạn trong việc mời doanh nghiệp về sản xuất một phần sản phẩm tại nhà trường để học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế cũng như tham gia trực tiếp vào quá trình lao động".

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp nghề, 32 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 8 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở đào tạo 39 nghề, nhóm nghề nông nghiệp và 76 nghề, nhóm nghề phi nông nghiệp.

Nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo - Ảnh 5.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết dạy học. Chương trình, nội dung đào tạo được điều chỉnh theo hướng thiết thực, phù hợp với đối tượng và tình hình thực tế nhằm phát triển năng lực người học, rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn theo cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo - Ảnh 6.

Ông Lương Văn Sinh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thương mại Du lịch Thanh Hóa

Ông Lương Văn Sinh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thương mại Du lịch Thanh Hóa cho biết: "Trường thực hiện phương châm đào tạo 3 tại chỗ, gắn với thị trường và doanh nghiệp. Kết quả 100% học sinh ra trường được giải quyết việc làm. Nhà trường cơ cấu hóa chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận thị trường, tiếp cận doanh nghiệp, tạo kỹ năng mềm, nâng cao kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp".

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.

Nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo - Ảnh 7.

Để đạt được mục tiêu này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và xã hội trong phát triển nguồn nhân lực, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu và tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh.

Nguồn: THNM 13/04/2023