Nâng cao giá trị hàng hoá xuất khẩu sang Nhật Bản

21:16 - 10/08/2023

Nhật Bản là nền kinh tế lớn và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tiềm năng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này còn rất lớn. Nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa đã tập trung khai thác, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang Nhật Bản.

Công ty TNHH xuất khẩu Việt Trang, huyện Nga Sơn là đơn vị đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề Cói. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, công ty vẫn giữ được nghề truyền thống này, vừa thu mua nguyên liệu cói cho 8 xã vùng triều của huyện Nga Sơn, vừa tạo công ăn việc làm tại xưởng cho 50 lao động và khoảng hơn 500 lao động làm việc tại nhà. Trong bối cảnh hiện nay, giữ được nghề truyền thống đã khó, việc mở rộng phát triển nghề còn khó khăn hơn. Do đó, để có thể duy trì và phát triển nghề cói, đáp ứng nhu cầu thị trường, công ty đã sớm đưa ra chiến lược đa dạng hóa các sản phẩm từ cói. Đến nay, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu đi hơn 20 nước trên thế giới với doanh thu khoảng 40 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, một số sản phẩm cói của công ty chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản không qua trung gian thực sự là thành công ngoài mong đợi cho sản phẩm nghề truyền thống của tỉnh Thanh Hóa.

Nâng cao giá trị hàng hoá xuất khẩu sang Nhật Bản - Ảnh 2.

Nâng cao giá trị hàng hoá xuất khẩu sang Nhật Bản - Ảnh 3.

Bà Trần Thị Việt, Giám đốc công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Bà Trần Thị Việt, Giám đốc công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đối với người Nhật thị trường rất khó tính, họ yêu cầu sản phẩm cói phải có màu xanh tự nhiên nên chúng tôi phải đầu tư máy móc hiện đại, hệ thống nhà sấy…"

Tương tự, tại công ty Yotsuba Dress Việt Nam, đóng chân tại khu công nghiệp Lễ Môn, Thành phố Thanh Hóa. Hiện công ty có hơn một nghìn công nhân chuyên may mặc hàng thiết kế cao cấp xuất khẩu sang Nhật Bản theo đơn đặt hàng sẵn. Với thị trường khó tính như Nhật Bản, luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng từ mẫu mã đến chất lượng, do đó công ty liên tục phải đào tạo tay nghề, hướng dẫn kỹ thuật để sản phẩm đáp ứng yêu cầu đề ra. Nhờ đó mà 6 tháng năm 2023, công ty đã xuất khẩu hơn 180 nghìn sản phẩm sang Nhật, dự kiến cả năm 2023 sẽ xuất đi hơn 350 nghìn sản phẩm.

Nâng cao giá trị hàng hoá xuất khẩu sang Nhật Bản - Ảnh 4.

Nâng cao giá trị hàng hoá xuất khẩu sang Nhật Bản - Ảnh 5.

Anh Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty Yotsuba Dress Việt Nam, Khu công nghiệp Lễ Môn, Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Anh Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, công ty Yotsuba Dress Việt Nam, Khu công nghiệp Lễ Môn, Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Người Nhật họ có yêu cầu rất cao và kiểm soát hàng hóa cũng chặt chẽ, do vậy công nhân tại công ty chúng tôi phải có tay nghề cao…".

Theo báo cáo nhanh của Sở Công thương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 40 doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu với Nhật Bản. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: nông thủy sản, hàng may mặc, da giày, sản phẩm cói, hàng thủ công mỹ nghệ... Năm 2022, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 312 triệu USD, chiếm trên 5,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. 7 tháng năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh đạt gần 2,9 tỉ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 221,68 triệu USD. Theo các doanh nghiệp Thanh Hóa, Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới với nhiều yêu cầu về chứng chỉ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng nước này có thu nhập cao và sẵn sàng chi trả cho các mặt hàng nhập khẩu giá cao, nếu cảm thấy hài lòng với sản phẩm.

Năm 2023 là năm đầu tiên công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm thu hoạch loại Vải ngọc không hạt để bán ra thị trường. Sản lượng thu hoạch khoảng 20 tấn, nhưng công ty đã có 1 tấn vải được xuất khẩu sang Nhật, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản.

Nâng cao giá trị hàng hoá xuất khẩu sang Nhật Bản - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm chia sẻ: "Đối với cán bộ kỹ thuật chúng tôi đã thuê chuyên gia hướng dẫn cán bộ kỹ thuật chăm sóc theo đúng quy trình. So với vải thông thường chất lượng vải không hạt rất ngon, mẫu mã đẹp quả đỏ. Đáp ứng nhu cầu của khách hàng thế giới".

Nâng cao giá trị hàng hoá xuất khẩu sang Nhật Bản - Ảnh 7.

Bà Trịnh Thị Cúc, Giám đốc công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa

Bà Trịnh Thị Cúc, Giám đốc công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa cho biết: "Qua những năm xuất khẩu, công ty đã rút ra những kinh nghiệm cũng như những yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới, công ty đã nâng cấp thiết bị thủ công…".

Ông Lê Tiến Dũng, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia cho biết thêm: "Năm nay chúng tôi vừa có lô hàng xuất khẩu sang Nhật.Trong quá trình sản xuất, đã được công nhận sản phẩm OCop. Khi đưa máy móc thiết bị vào sản phẩm đảm bảo an toàn, đã xuất đi các thị trường. Chúng tôi sản xuất nhanh chóng để còn kịp thời xuất khẩu đi ra các thị trường".

Nâng cao giá trị hàng hoá xuất khẩu sang Nhật Bản - Ảnh 8.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, trao đổi thông tin về thị trường, chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa qua thị trường Nhật Bản. Đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, thúc đẩy hợp tác, phát triển giao thương, gia tăng mạnh mẽ các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa 2 thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp Thanh Hóa cần lưu ý, hiện nay, thị trường Nhật Bản có tốc độ thay đổi nhanh chóng về mẫu mã sản phẩm, vòng quay sản phẩm nhanh và ngắn. Do đó, thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất Thanh Hóa cần đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản điều tra sâu thị trường, phát triển những sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản. Trong đó, các sản phẩm đa dạng, dễ dàng tuỳ chỉnh thích ứng với số lượng ít sẽ là xu thế tiêu dùng mới hiện nay. Doanh nghiệp Thanh Hóa cần rút ngắn hơn nữa thời gian sản xuất và đóng gói sản phẩm nhằm giảm thời gian từ khi đặt hàng đến tay người tiêu dùng Nhật Bản.

Nguồn: Chuyên mục Thông tin đối ngoại ngày 10/8/2023