Nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững các làng nghề

08:44 - 05/10/2023

Thanh Hóa hiện có 36 nghề, hơn 100 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận đạt các tiêu chí theo quy định. Nhiều làng nghề đã khẳng định về chất lượng sản phẩm, nổi tiếng khắp cả nước, thậm chí được xuất khẩu ra nước ngoài. Tổng doanh thu của các làng nghề trong tỉnh lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng 58.405 lao động.

Thời gian qua, để nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững các làng nghề, ngày 29.11.2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4182 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 801 ngày 7.7.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 

Nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững các làng nghề - Ảnh 2.

Theo đó, các địa phương đã xây dựng kế hoạch và ban hành các chính sách khôi phục, bảo tồn đối với làng nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền; hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới. Bên cạnh đó, lựa chọn một số làng nghề có tiềm năng, lợi thế về sản phẩm, cảnh quan, môi trường và sản phẩm mang đặc trưng của địa phương để quảng bá, giới thiệu, trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch gắn với bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Cùng với đó, các địa phương cũng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cải tạo nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề phục vụ sản xuất. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân đổi mới, thay thế thiết bị máy móc cũ, công nghệ lạc hậu để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh công tác đào tạo, nhân cấy, truyền nghề; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, tổ chức các cuộc thi tay nghề, phong tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi... Quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV