Nâng tầm “thương hiệu” sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc

22:26 - 24/03/2024

Nghề rèn truyền thống tại xã Tiến Lộc huyện Hậu Lộc đã có từ lâu đời. Những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tại làng nghề là một trong những giải pháp quan trọng, để nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm, tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Sinh ra và lớn lên từ làng nghề rèn truyền thống, cũng như bao thế hệ trẻ nơi đây, anh Phạm Văn Tiến, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc thấu hiểu và trân trọng những giá trị của ông cha để lại. Từ đó, bằng tình yêu và nhiệt huyết, anh đã tiếp nối đam mê và đưa nghề rèn truyền thống ngày một phát triển. Xuất phát điểm từ một hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ với 30 lao động, năm 2022 Phạm Văn Tiến quyết định thành lập Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài. Anh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua các thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất như: máy đột dập, máy cắt lazer, đánh bóng sản phẩm, búa rèn.. với 3 xưởng sản xuất với tổng diện tích trên 3.000m2. Ngoài sản xuất các sản phẩm truyền thống, anh Tiến đã nhập khẩu nguyên liệu thép trắng không rỉ từ Nhật Bản về để sản xuất các loại dao, kéo... cung ứng ra thị trường, trung bình mỗi năm khoảng gần 900.000 bộ sản phẩm các loại. Hiện Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài đã có gần 100 lao động với mức thu nhập từ 6 – 15 triệu đồng/người/tháng, thị trường phân phối ở 20 tỉnh, thành trên cả nước. Sản phẩm của công ty đã lọt vào danh sách "The Best of Vietnam 2023" – thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ xuất sắc trên thị trường Việt Nam, giải Nông nghiệp xanh và nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện.

Nâng tầm “thương hiệu” sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc- Ảnh 1.

Anh Phạm Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá

Anh Phạm Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Lớp trẻ chúng tôi bây giờ vừa giữ lửa cho làng rèn, vừa bán sản phẩm ra thị trường. Ngoài việc bán cho khách truyền thống, đại lý cửa hàng, chúng tôi còn bán trên các sàn thương mại điện tử".

Không ai nhớ nghề rèn ở xã Tiến Lộc huyện Hậu Lộc có tự bao giờ, nhưng thương hiệu và sự nổi tiếng của làng nghề thì đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Trải qua bao biến cố thăng trầm nhưng nghề rèn Tiến Lộc vẫn đứng vững. Toàn xã hiện có 20 doanh nghiệp, trong đó có 5 doanh nghiệp trực tiếp làm nghề và gần 1.600 hộ tham gia làm nghề rèn, thu hút khoảng 6.000 lao động.

Nâng tầm “thương hiệu” sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trọng Hiến, Làng rèn xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Nghề rèn truyền thống ở đây có từ rất lâu đời, chúng tôi là thế hệ cha ông đi trước vẫn luôn truyền lửa, khích lệ động viên con cháu giữ và phát triển nghề. Đến nay thấy nghề ngày càng phát triển tôi rất vui mừng, đời sống bà con khấm khá lên nhiều".

Trước đây, các công đoạn sản xuất nghề rèn xã Tiến Lộc chủ yếu bằng thủ công, ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, máy móc đã dần được đưa vào quy trình sản xuất, giúp người thợ không còn vất vả như xưa. 100% các gia đình làm nghề đều mua sắm thiết bị sản xuất hiện đại như: máy mài, máy cán thép, máy dập, máy cắt gọt kim loại, máy phay... Việc đưa máy móc vào làm nghề, không chỉ nâng cao năng suất lao động hàng chục lần so với làm bằng thủ công truyền thống, góp phần giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm của làng nghề.

Nâng tầm “thương hiệu” sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc- Ảnh 3.

Anh Kiều Văn Khoa, Chủ cơ sở sản xuất Khoa Kiều, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Trước đây bà con dùng búa làm thì hiệu qủa không cao, sản phẩm cũng không được chất lượng. Bây giờ bà con nâng cấp lên, sản phẩm tốt hơn, đẹp hơn, bền hơn".

Sản phẩm nghề rèn giờ đây không chỉ dừng lại ở những công cụ truyền thống mà đa dạng các sản phẩm, nhiều chủng loại, số lượng lên đến hàng nghìn loại, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn. Các chủ cơ sở cũng bắt nhịp xu thế, tận dụng kênh online để bán hàng. Hiện sản phẩm của nghề rèn Tiến Lộc đã có mặt hầu khắp các địa phương trên địa bàn cả nước, đồng thời còn được xuất đi các nước như Lào, Campuchia... thông qua đại lý và các kênh bán hàng trên nền tảng số.

Nâng tầm “thương hiệu” sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc- Ảnh 4.

Anh Nguyễn Văn Thanh, Chủ cơ sở nghề rèn Chú Đốc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đây là một nghề truyền thống của quê hương nên chúng tôi sẽ cố gắng phát huy và tạo công ăn việc làm cho mọi người".

Để nghề rèn Tiến Lộc phát triển bền vững, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, còn khuyến khích đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, giúp giảm thiểu chất thải, khí thải ra môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, xã cũng có chính sách phát triển làng nghề hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đầu tư vào làng nghề. Nhờ đó, những năm qua nghề rèn mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cũng như lưu giữ và phát huy nghề truyền thống. Theo tính toán mỗi năm tổng doanh thu từ nghề rèn trên địa bàn xã đạt khoảng 400 tỷ đồng, đưa tổng giá trị thu nhập từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm hơn 90% cơ cấu kinh tế của xã.

Nâng tầm “thương hiệu” sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc- Ảnh 5.

Nâng tầm “thương hiệu” sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc- Ảnh 6.

Ông Lê Xuân Thơ, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Xuân Thơ, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Tiến Lộc là một xã đông dân, có nghề rèn truyền thống phát triển lâu đời. Tuy nhiên, trong những năm trước, do điều kiện phát triển kinh tế còn nhỏ lẻ, gây ảnh hưởng rất nhiều đến dân cư, vì vậy địa phương đã đấu mối cùng cơ quan chức năng, xây dựng cụm làng nghề Tiến Lộc".

Trước sự cạnh tranh gay gắt giữa các làng nghề hiện nay, để đưa được sản phẩm truyền thống vươn xa, bản thân các hộ, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trong làng nghề đã phải tích cực thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm phù hợp, có tính thẩm mỹ song vẫn phải đảm bảo tính truyền thống và bản sắc địa phương trong từng sản phẩm. Với những ứng dụng của khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và sự ham học hỏi, yêu nghề của những người thợ, tin rằng làng rèn Tiến Lộc sẽ ngày càng phát triển, đem lại sự ấm no giàu mạnh cho những người dân nơi đây.

Nguồn: Bản tin Doanh nghiệp - Doanh nhân ngày 17/03/2024