Ngành giáo dục Thiệu Hóa ứng dụng thiết bị thông minh trong dạy học

17:22 - 18/12/2023

Sôi nổi, hào hứng trong các lớp học là không khí trong các lớp học thông minh. Một trong những lợi ích của lớp học thông minh mang lại đó là sự tương tác giữa thầy và trò, tăng khả năng tư duy và say mê học tập cho học sinh. Với những lợi ích từ phòng học thông minh đem lại, thời gian qua, huyện Thiệu Hóa đã ưu tiên nguồn lực đầu tư phòng học thông minh tại nhiều trường học trên địa bàn nhằm hướng đến mục tiêu đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động hàng ngày đối với mỗi nhà giáo viên và người học.

Khác với cách dạy truyền thống trước đây chỉ có bảng đen, phấn trắng, giờ đây trong mỗi giờ học trên lớp của thầy và trò trường THCS thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa đã có nhiều thay đổi nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại. Chỉ với cú nhấp chuột hay những thao tác trực tiếp trên bảng điện tử thông minh có chức năng cảm ứng, giáo viên đã có thể giảng bài và truyền thụ kiến thức cho học sinh rất hiệu quả. Để làm được điều này, thầy cô giáo đã dày công thiết kế giáo án cụ thể cùng với những ví dụ minh họa sinh động. Với khả năng tương tác, bảng điện tử thông minh đã mang đến cho cả thầy và trò không khí học tập đầy hào hứng và thú vị, giúp học sinh tiếp nhận kiến thức một cách chủ động hơn so với các học truyền thống cũng như phát huy được tính sáng tạo, năng lực tự học.

Ngành giáo dục Thiệu Hóa ứng dụng thiết bị thông minh trong dạy học- Ảnh 1.

Ngành giáo dục Thiệu Hóa ứng dụng thiết bị thông minh trong dạy học- Ảnh 2.

Thầy giáo Lê Văn Cường, Trường THCS thị trấn Vạn Hà huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Thầy giáo Lê Văn Cường, Trường THCS thị trấn Vạn Hà huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Khi dạy học trên phòng học thông minh bản thân tôi thấy có nhiều lợi ích, lợi ích đầu tiên là tương tác giữa người dạy và người học, lợi ích thứ 2 là phát huy được sự hứng thú của học sinh. Lợi ích nữa là bài học có thể lưu lại làm tư liệu, giảm thời gian soạn bài cho giáo viên".

Học sinh Ngô Lê Ngọc Châu, Lớp 7A, trường THCS thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Trước đây khi chưa lắp đặt phòng học thông minh thi môn toán hay môn mỹ thuật, những ngôi nhà hay những hình vẽ thì các em đều tưởng tượng hoặc là vẽ trên bảng. Nhưng từ khi có phòng học thông minh thì chúng em có thể nhìn những hình ảnh rõ nét trên ti vi, môn toán chúng em không nhất thiết vẽ trên bảng mà có thể vẽ linh động trên màn hình ti vi, từ đó giúp chúng em thuận lợi hơi trong học tập và yêu thích môn học hơn. So với các bài giảng trước đây thi em thấy thú vị hơn".

Ngành giáo dục Thiệu Hóa ứng dụng thiết bị thông minh trong dạy học- Ảnh 3.

Thực hiện Đề án "Xây dựng Trường THCS thị trấn Vạn Hà trở thành trường trọng điểm về chất lượng", từ năm học 2021 – 2022 trường THCS Thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa được đầu tư và đưa vào sử dụng 4 phòng học thông minh với trang thiết bị hiện đại như máy vi tính, bảng tương tác, hệ thống âm thanh, ti vi... Bên cạnh đó, từ nguồn xã hội hóa nhà trường đã lắp đặt thêm 1 phòng học thông minh với đầy đủ các trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phòng học thông minh được thiết kế đồng bộ linh hoạt và dễ dàng vận hành, tất cả các thiết bị được kết nối lại với nhau. Với các thiết bị dạy học thông minh được lắp đặt có thể giúp giáo viên hiện thực hóa mọi ý tưởng giảng dạy, để học sinh có thể tiếp thu bài hiệu quả hơn. Đến nay, 100% học sinh của nhà trường được tiếp cận với mô hình phòng học thông minh. Giáo viên cũng đã sử dụng thành thạo các trang thiết bị và ứng dụng hiệu quả vào từng bài giảng của mình, từ đó góp phần giúp nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Ngành giáo dục Thiệu Hóa ứng dụng thiết bị thông minh trong dạy học- Ảnh 4.

Thầy Trịnh Thanh Xuân, Hiệu trưởng trường THCS Thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Thầy Trịnh Thanh Xuân, Hiệu trưởng trường THCS Thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Trong 2 năm vừa UBND huyện đã đầu tư cho trường 4 phòng học thông minh với các thiết bị hiện đại. Cho đến hiện nay thầy cô đã sử dụng thành thaọ các phòng học thông minh, phát huy hết các tinh năng, phần mềm trong phòng học thông minh nhằm phục vụ tốt việc học của học sinh, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018".

Để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa công tác quản lý, giảng dạy, những năm gần đây, Trường Tiểu học Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa đã đầu tư hệ thống máy chủ, đường truyền internet, wifi, tivi thông minh ở các phòng học. Đồng thời nhà trường cũng đã ứng dụng các phần mềm quản lý, giảng dạy phù hợp thống nhất trong toàn trường. Đặc biệt, nhà trường đã được huyện đầu tư 1 phòng học thông minh với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại. Nhờ đó, trong mỗi bài giảng thay vì chỉ có lý thuyết khô khan thì giờ đây đã có thêm các ví dụ trực quan sinh động được chiếu trên ti vi ngay trên lớp học. Từ khi có phòng học thông minh đến nay đã mang đến sự thay đổi sáng kể trong chất lượng dạy và học của nhà trường. 

Ngành giáo dục Thiệu Hóa ứng dụng thiết bị thông minh trong dạy học- Ảnh 5.

Cô giáo Đào Thị Đông, Giáo viên trường Tiểu học Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Khi dạy ở phòng học thông minh sinh thay đổi rất là lớn, đặc biệt là khi các em được lên bảng được cầm bút trực tiếp viết vào màn hình thì các em đều tích cực tham gia và tôi nhận thấy học sinh thay đổi hoàn toàn, tự tin, các em mạnh dạn hơn, tích cực hơn, các em muốn được cô giáo gọi lên bảng. Khi dạy thì chúng tôi có thể khai thác trực tiếp tài liệu trên mạng. Đặc biệt bộ trắc nghiệm ghi khả năng của học sinh và cho học sinh biết được khả năng của mình đứng ở đâu trong lớp dù cô giáo không nói nhưng các em vẫn có thể nhận thức được".

Ngành giáo dục Thiệu Hóa ứng dụng thiết bị thông minh trong dạy học- Ảnh 6.

Thầy giáo Nguyễn Trí Sơn, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Thầy giáo Nguyễn Trí Sơn, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Trong những năm gần đây từ các nguồn kinh phí nhà trường đã xây dựng được một phòng học thông minh với kinh phí gần 500 triệu đồng và trang bị hệ thống iternet đến các phòng học, giáo viên 100% sử dụng máy tính trên lớp. Từ đó giúp cho việc dạy học của thầy cô thuận lợi hơn, học tập của các em thuận lợi, chất lượng dạy học ngày càng được nâng lên".

Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, huyện Thiệu Hóa đã đầu tư được 12 phòng học thông minh với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại cho 9 trường trên địa bàn huyện với tổng kinh phí là gần 6 tỷ đồng . Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, thiết lập một giáo án điện tử; khuyến khích giáo viên ở tất cả các đơn vị trường tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong các bài giảng của mình. Cùng với đó, các nhà trường đều có các phòng học Tin học, có kết nối internet phục vụ việc dạy và học, ứng dụng hiệu quả các phần mềm trong quản lý, giảng dạy như phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, phần mềm Vnedu, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, phần mềm chữ ký số… Sau khi đánh giá hiệu quả các hoạt động dạy và học từ các phòng học thông minh đã được đầu tư, huyện Thiệu Hoá sẽ tiếp tục đầu tư thêm 8 phòng học thông minh, hướng đến mục tiêu là mỗi trường trên địa bàn huyện có 1 phòng học thông minh.

Ngành giáo dục Thiệu Hóa ứng dụng thiết bị thông minh trong dạy học- Ảnh 7.

Ngành giáo dục Thiệu Hóa ứng dụng thiết bị thông minh trong dạy học- Ảnh 8.

Ông Nguyễn Lạnh Đông, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Lạnh Đông, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, ngành giáo dục đã tham mưu cho UBND huyện đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt đối với các trang thiết bị thông minh hiện đại đến thời điểm này đã đầu tư 12 phòng học thông minh. Thời gian tới phòng sẽ tiếp tục tham mưu để đầu tư phòng học thông minh cho các nhà trường".

Việc ứng dụng giải pháp phòng học thông minh vào trong giảng dạy là một bước tiến vượt bậc trong giáo dục nói chung và giáo dục của huyện Thiệu Hóa nói riêng. Giải pháp này, đã mang lại sự thú vị, ham học hỏi và niềm đam mê sáng tạo cho các giáo viên và học sinh. Từ đó, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, góp phần xây dựng và phát triển nền giáo dục điện tử, giáo dục thông minh trên nền tảng số hóa. 

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ 18/12/2023