Nơi trao gửi yêu thương cho học sinh khuyết tật

09:33 - 14/01/2024

Những năm qua, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đến công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật, biến nhà trường trở thành nơi trao gửi yêu thương, tạo động lực để các em vươn lên trong cuộc sống.

Cao Thái Sơn và Cao Thái Bảo là hai anh em sinh đôi, đều đang học lớp 3C, trường Tiểu học Thành Trực, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Ngay từ lúc chào đời, Bảo và Sơn đã không có khả năng nghe nói. Bởi vậy, khi đến trường, việc tiếp thu kiến thức của các em rất khó khăn so với bạn bè cùng trang lứa.

Để giúp Sơn và Bảo có thể tiếp thu được phần nào kiến thức, cô giáo chủ nhiệm đã phải tìm tòi, nghiên cứu phương pháp giao tiếp, có biện pháp giảng dạy và hỗ trợ riêng. Nhờ sự tận tình của cô, đến nay, Sơn và Bảo đã có thể viết, đọc hiểu phần nào và hòa nhập tốt trong môi trường giáo dục.

Nơi trao gửi yêu thương cho học sinh khuyết tật- Ảnh 1.

Cô giáo Nguyễn Thị Trang, Trường Tiểu học Thành Trực, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đầu năm nhận các bạn chưa biết cách tương tác với cô và các bạn, cũng chưa năm được kiến thức. Nhưng đến hiện tại, các bạn càng ngày càng tiến bộ".

Nơi trao gửi yêu thương cho học sinh khuyết tật- Ảnh 2.

Cô giáo Lê Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành trực, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa

Cô giáo Lê Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành trực, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Ngay từ tháng 8 hằng năm, nhà trường đã rà soát những học sinh khuyết tật, bố trí các những tổ phụ trách từng thôn để vận động các em ra lớp".

Thanh Hóa hiện có hàng ngàn học sinh khuyết tật đang theo học tại các bậc học từ mầm non tới trung học phổ thông. Với những học sinh này, khả năng vận động hoặc tư duy kém hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Nhiều em có tâm lý tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp.

Để giúp học sinh khuyết tật hòa nhập tốt hơn, những năm qua, các cấp, các ngành tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đặc biệt đến các đối tượng này; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chế độ đặc thù dành cho các em theo quy định của pháp luật như: Cho phép học sinh khuyết tật nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi, có cơ chế tuyển thẳng tại một số cấp học; miễn, giảm học phí; cấp học bổng và đồ dùng học tập….

Nơi trao gửi yêu thương cho học sinh khuyết tật- Ảnh 3.

Ngoài ra, các nhà trường còn có sự quan tâm, hỗ trợ riêng, giúp học sinh khuyết tật dễ dàng hòa nhập với thầy cô và bè bạn.

Nơi trao gửi yêu thương cho học sinh khuyết tật- Ảnh 4.

Thầy giáo Nguyễn Quang Ngát, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Định Tăng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa

Thầy giáo Nguyễn Quang Ngát, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Định Tăng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Trước khi nhận các cháu khuyết tật đến trường, nhà trường tạo điều kiện, phân công các cháu về các lớp để các cháu được hoà nhập".

Cô giáo Lê Thị Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Định Tăng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhà trường mong muốn các cháu được đến trường học tập, được hoà nhập với các bạn trong lớp, được các thầy cô chỉ bảo, dạy dỗ các kỹ năng giao tiếp, sinh hoạt và những vấn đề về kiến thức".

Nơi trao gửi yêu thương cho học sinh khuyết tật- Ảnh 5.

Người khuyết tật nói chung, học sinh khuyết tật nói riêng là những số phận thiếu may mắn trong xã hội. Bởi vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, thì sự yêu thương của thầy cô, sự gần gũi của bạn bè và sự quan tâm của cộng đồng xã hội sẽ là nguồn động lực lớn giúp các em vượt qua số phận, hòa nhập với cộng đồng.

Nguồn: Bản tin Thời sự THNM ngày 14/01/2024