Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng hiệu quả sản xuất

15:48 - 25/03/2025

Bên cạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ mới, các phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng được các doanh nghiệp trong tỉnh chú trọng. Hoạt động này những năm gần đây ngày càng đi vào thực chất, khi những sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị ứng dụng cao, phục vụ tích cực cho quá trình hoạt động sản xuất và làm lợi cho doanh nghiệp.

Trước đây, trong quá trình sản xuất, việc đầu tư bộ đai ốc thủy lực để lắp đặt vòng bi cho các lô ép giấy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn MIZA Nghi Sơn chi phí ước tính khoảng 1,6 tỷ đồng. Do vậy, nhằm tiết kiệm chi phí, các thiết bị không phải nhập khẩu, có thể mua ở trong nước, anh Lê Thế Hạnh, bộ phận bảo trì, Công ty TNHH MIZA Nghi Sơn đã có sáng kiến "Chế tạo đai ốc để ép vòng bi" bằng vật liệu sản xuất trong nước, chi phí giảm gấp chục lần.

Anh Lê Thế Hạnh, Bộ phận bảo trì, Công ty TNHH MIZA Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Cái đai ốc mình tự chế sẽ giảm chi phí, chỉ còn khoảng độ 20 triệu trở lạI".

Qua quá trình quản lý, khai thác vận hành hệ thống kênh chính Bắc, chính Nam, Dự án ADB6, Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam sông Mã nhận thấy khu tưới xã Xuân Thiên phía bờ tả kênh, địa hình cục bộ có nhiều xứ đồng cao khó tưới nước, mà phải lấy nguồn nước hỗ trợ từ các kênh cấp 1 phía bờ hữu kênh chảy qua các cống luồn hỗ trợ tưới trong quá trình thi công để tưới. Để đảm bảo nước tưới cho phần diện tích khó tưới và thay thế các cống tưới luồn dưới đáy kênh chính Nam, nhóm tác giả Lưu Anh Tuấn, Nguyễn Văn Trọng, Phạm Ngọc Đức, Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam sông Mã đã đưa ra sáng kiến lắp đường ống nhựa phi 90 trên kênh chính Nam phục vụ tưới cho diện tích vùng cao dọc kênh. Sáng kiến dựa trên nguyên lý áp suất chân không và chênh cao cột nước để giảm số công vận hành. Ưu điểm của sáng kiến là chi phí thi công thấp, lắp đặt đơn giản, không ảnh hưởng đến quá trình cấp nước trên kênh chính và đảm bảo phục vụ sản xuất kịp thời. Kể từ vụ mùa năm 2020, đến nay, với việc áp dụng sáng kiến này, Công ty chủ động được nguồn nước trên kênh chính Nam.

Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng hiệu quả sản xuất - Ảnh 1.

Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng hiệu quả sản xuất - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Chi nhánh Thủy nông Thọ Xuân, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam sông Mã

Ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Chi nhánh Thủy nông Thọ Xuân, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam sông Mã cho biết thêm: "Nếu như sử dụng phương pháp mở cống tưới trên kênh chính Nam hoặc lắp máy bơm dầu, máy bơm điện dã chiến sẽ phải sử dụng chi phí đến trên 200 triệu đồng, nhưng với việc áp sáng kiến lắp đường ống nhựa phi 90 trên kênh chính Nam, chi phí lắp đặt chỉ khoảng 15 triệu đồng với 6 vị trí".

Trước đây, mỗi lần vận hành quay cống đóng mở điều tiết nước tưới, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam sông Mã cần phải ít nhất 4 nhân công mới đảm bảo vận hành kịp thời trong công tác điều tiết nước tưới, tiêu; thời gian quay cống là 3 giờ. Và mỗi lần vận hành, Công ty phải điều động nhân công từ các vị trí khác đến để điều tiết nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận hành tưới tiêu trên hệ thống khi hạn hán, mưa lũ. Trong khi đó, kinh phí đầu tư giàn đóng mở phải có điện cao thế 3 pha mới đầu tư được, dẫn đến kinh phí đầu tư cao. Do đó, nhóm tác giả Trịnh Xuân Sinh, Hoàng Văn Lưu, Lê Tuấn Minh đã đưa ra sáng kiến "Áp dụng điện 1 pha, cải tiến hệ thống động cơ vận hành đóng, mở cống tưới, tiêu". Với việc áp dụng sáng kiến này, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam sông Mã chỉ cần 2 người vận hành, rút ngắn thời gian quay cống van cung, thời gian quay cống chỉ mất 4 phút cho 1 lần quay cống.

Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng hiệu quả sản xuất - Ảnh 3.

Ông Trịnh Xuân Sinh, Tổ trưởng Tổ thủy nông Lý Nhân, Chi nhánh Thủy nông Yên Định, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam sông Mã chia sẻ: "Máy đóng mở này có thể áp dụng cho toàn công ty, giá thành lại rẻ".

Trong xu thế hiện nay, đổi mới sáng tạo được coi là cách thức mới để mỗi doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các mục tiêu chiến lược. Bởi vậy, thời gian gần đây, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã có các chính sách đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng cho người lao động, khuyến khích để người lao động tích cực, chủ động tham gia hoạt động đổi mới, sáng tạo và cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có trên 4.755 giải pháp, sáng kiến cải tiến, kinh nghiệm được triển khai, áp dụng vào thực tiễn, đem lại giá trị hàng trăm tỷ đồng, giúp các đơn vị, doanh nghiệp tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, nâng cao uy tín, vị thế của đơn vị, doanh nghiệp.

Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng hiệu quả sản xuất - Ảnh 4.

Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng hiệu quả sản xuất - Ảnh 5.

Ông Lưu Anh Tuấn Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam sông Mã

Ông Lưu Anh Tuấn Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam sông Mã cho biết: "Từ năm 2020 đến nay, Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam sông Mã có 23 sáng kiến đã được áp dụng thực tiễn, góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả họat động sản xuất".

 Bên cạnh những công trình nghiên cứu khoa học có khả năng ứng dụng tốt, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ngày càng phát triển tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả đó đã thực sự niềm đam mê học hỏi và sáng tạo không ngừng của cán bộ, công nhân viên người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng hiệu quả sản xuất - Ảnh 6.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Đời sống ngày 24/3/2025