Phát triển vùng sắn an toàn nâng cao giá trị sản xuất

Thời điểm này, nông dân khu vực miền núi Thanh Hóa đang bước vào thu hoạch sắn niên vụ 2023-2024. Trong niên vụ này, việc đẩy mạnh phát triển vùng sắn an toàn sạch bệnh đã giúp năng suất sắn tăng. Bên cạnh đó, giá thu mua sắn tăng đã mang lại thu nhập cao cho người dân.

Gia đình ông Bùi Trung Hiếu ở thôn Chum, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước rất vui với vụ thu hoạch sắn năm nay. Hiện giá sắn củ được Nhà máy thu mua 2.400 đồng 1 kg; 1 bó hom giống bán cho các thương lái tại ruộng có giá 24-26 nghìn đồng. Theo tính toán, 1 ha có năng suất 35 tấn củ và khoảng 1000 bó hom giống, thì với 1,5 ha, trừ mọi chi phí, gia đình ông Hiếu đã có lợi nhuận trên 100 triệu đồng, là mức lợi nhuận khá cao. Nhờ thực hiện các biện pháp thâm canh, an toàn dịch bệnh, nên không chỉ riêng gia đình ông Hiếu, mà nhiều hộ trồng sắn của huyện Bá Thước năm nay đều có nguồn thu nhập khá.

Anh Bùi Trung Hiếu, Thôn Chum, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Năm nay năng suất khá, được giá, thu nhập cao, vì vậy anh rất phấn khởi, có điều điện đầu tư cho vụ tiếp tới, để có thu nhập cao hơn nữa".

Phát triển vùng sắn an toàn nâng cao giá trị sản xuất- Ảnh 1.

Phát triển vùng sắn an toàn nâng cao giá trị sản xuất- Ảnh 2.

Ông Trần Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Ông Trần Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Tập trung chỉ đạo các xã cùng với Nhà máy thực hiện ngay từ khâu đầu tiên chọn giống sạch bệnh, làm đất kỹ, các quy trình thâm canh… xây dựng các mô hình và nhận rộng mô hình đưa các giống sắn có khả năng kháng bệnh vào trên địa bàn toàn huyện".

Trong niên vụ này, Thanh Hóa trồng được trên 12.350 ha sắn, tập trung chủ yếu ở các huyện Ngọc Lặc, Như Xuân, Cẩm Thuỷ, Thường Xuân, Bá Thước, Như Thanh, Thọ Xuân… Để hạn chế tình trạng bệnh khảm lá gây hại ảnh hưởng đến năng suất, ngày từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp triển khai các giải pháp phát triển vùng sắn an toàn. Bà con nông dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, lựa chọn giống mới kháng bệnh khảm lá, giống sạch bệnh để đưa vào trồng nên năng suất sắn trung bình đạt 16,5 tấn 1 ha, cao hơn so với niên vụ trước 2 tấn 1 ha, thu nhập trung bình đạt 41 triệu đồng/1 ha. Có những diện tích sắn thâm canh có năng suất từ 35 đến 40 tấn 1 ha, đồng thời còn có thêm nguồn thu nhập từ bán hom giống nên đạt hiệu quả cao. Sắn nguyên liệu được các nhà máy chế biến tinh bột sắn thu mua với giá dao động từ 2.200- đến 2.700 đồng/kg.

Phát triển vùng sắn an toàn nâng cao giá trị sản xuất- Ảnh 3.

Phát triển vùng sắn an toàn nâng cao giá trị sản xuất- Ảnh 4.

Ông Trương Văn Trưởng, Cán bộ nguyên liệu Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Bá Thước

Ông Trương Văn Trưởng, Cán bộ nguyên liệu Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Bá Thước chia sẻ: "Chúng tôi đưa ra mức giá cam kết 18 nghìn 1 yến, nhưng đầu vụ đã mua 24 nghìn đồng 1kg, mua trong ngày, thanh toán thứ 3 và thứ 6 hàng tuần".

Ông Vương Tiến Sỹ, Trưởng phòng Kinh doanh-Nhà máy sản xuất tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân cho biết: "Để đáp ứng vùng nguyên liệu bền vững, Nhà máy đầu tư ứng trước phân bón, giống, chọn giống mới, sạch, thay thế giống cũ không hiệu quả".

Phát triển vùng sắn an toàn nâng cao giá trị sản xuất- Ảnh 5.

Thời gian thu hoạch sắn niên vụ này kéo dài đến tháng 3/2024. Để niên vụ 2024-2025, diện tích sắn ổn định 13.500 ha, năng suất bình quân 18 tấn/1 ha, theo định hướng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, các địa phương tiếp tục phát triển các vùng trồng sắn tập trung quy mô lớn, phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất sắn và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn thông qua lựa chọn nguồn giống sạch bệnh, kháng bệnh, thường xuyên kiểm tra, xử lý mầm bệnh kịp thời trong quá trình cây sắn sinh trưởng và phát triển.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 10/12/2023