Phòng ngừa tội phạm cố ý gây thương tích, giết người

09:56 - 30/11/2022

Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã xảy ra hơn 600 vụ giết người và cố ý gây thương tích, hơn 850 đối tượng phạm tội liên quan bị bắt giữ. Đây là những con số rất đáng báo động, cho thấy diễn biến phức tạp của loại tội phạm này; đòi hỏi lực lượng Công an phải tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt để ngăn chặn, kéo giảm.

Theo kết quả điều tra của lực lượng Công an: Hầu hết các vụ án giết người và cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn tỉnh đều có tính chất, mức độ và phương thức rất côn đồ, hung hãn, manh động. Đáng chú ý là nhiều vụ án bắt nguồn từ những va chạm, mâu thuẫn, xích mích rất đơn giản trong sinh hoạt, đời sống hàng ngày.

Phòng ngừa tội phạm cố ý gây thương tích, giết người - Ảnh 2.

 Thế nhưng, thay vì bình tĩnh để xử lý thì các đối tượng lại chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực và gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Trường hợp ông Phùng Bá Phụng 71 tuổi ở xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn người là 1 ví dụ. Do mâu thuẫn trong lúc đánh cờ,  cho rằng mình thua vì ông Trịnh Văn Thạo "quân sư" cho đối thủ, ông Phụng đã dùng dao đâm ông Thạo tử vong.

Phòng ngừa tội phạm cố ý gây thương tích, giết người - Ảnh 3.

Đối tượng Phùng Bá Phụng

Đối tượng Phùng Bá Phụng cho biết: "Tôi đầu óc lúc đó không nghĩ được gì cả, chỉ nghĩ bực bội vì 3 lần nó doạ đánh tôi nên tôi mới bực mình nên tôi bảo đánh nó, nhưng tôi yếu không đánh được nên tôi cầm dao và xảy ra vậy, giờ tôi rất hối hận".

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm giết người và cố ý gây thương tích, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này.

Phòng ngừa tội phạm cố ý gây thương tích, giết người - Ảnh 4.

Trọng tâm là rà soát, lập danh sách quản lý các đối tượng có nguy cơ cao gây ra những vụ án giết người, gây thương tích tại cơ sở; tăng cường quản lý cư trú, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự; kịp thời ngăn chặn các hành vi côn đồ, các vụ việc xô xát, mâu thuẫn bộc phát dẫn đến giết người, cố ý gây thương tích…Đồng thời làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình  mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân để có biện pháp giải quyết phù hợp.

Phòng ngừa tội phạm cố ý gây thương tích, giết người - Ảnh 5.

Thượng tá Lê Ngọc Anh - Trưởng Công an thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá

Thượng tá Lê Ngọc Anh - Trưởng Công an thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá, cho biết: "Đối với địa bàn thành phố thì chúng tôi đang chỉ đạo sâu  công tác phòng ngừa để xác định các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân và dựng các đối tượng có nguy cơ cao; đặc biệt chú ý vào đối tượng thanh thiếu niên có biểu hiện hư và vi phạm pháp luật để cảm hoá, giáo dục và có biện pháp phòng ngừa. Đối với công tác đấu tranh thì chúng tôi đang chỉ đạo rất quyết liệt đối với các đội nghiệp vụ".

Thực tế, hầu hết các vụ giết người, cố ý gây thương tích đều phát sinh từ cơ sở. Để ngăn chặn, kéo giảm loại tội phạm này, các lực lượng chức năng tại cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong việc chủ động tuyên truyền, phát hiện sớm những vấn đề phức tạp nảy sinh trong Nhân dân để kịp thời xử lý, hạn chế những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra. Cơ quan Công an cũng khuyến cáo: Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, mỗi người dân cần bình tĩnh tìm hướng giải quyết, tuyệt đối không sử dụng bạo lực. 

Phòng ngừa tội phạm cố ý gây thương tích, giết người - Ảnh 6.

Trường hợp không thể giải quyết thì trình báo ngay cho Công an xã hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ, giải quyết.

Nguồn: THNM 30/11/2022