Quản lý tiền công đức: Minh bạch vì niềm tin

07:33 - 17/12/2023

Thông tư 04 của Bộ Tài chính với những nội dung chi tiết, cụ thể hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích chính thức có hiệu lực từ ngày 19/3/2023. Sau 9 tháng đi vào thực tế, Thông tư đã nhận được sự quan tâm của người dân và các đơn vị, địa phương có liên quan. Đây là văn bản pháp lý quan trọng góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ nhưng vẫn không gây cản trở các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.

Tại di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia Đền Tống Duy Tân, thành phố Thanh Hoá, toàn bộ tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích đều do Tiểu ban gồm 8 người quản lý. Tại mỗi khu vực tiếp nhận công đức đều có nhân viên ghi chép cẩn thận, rõ ràng. 

Quản lý tiền công đức: Minh bạch vì niềm tin- Ảnh 1.

Mỗi tuần, hòm công đức được mở 2 lần để kiểm đếm. Số tiền thu được sẽ được chi vào tiền mua lễ, tiền điện nước, bảo vệ và gửi ngân hàng. Nhờ đó, tiền công đức được công khai, minh bạch, giảm được nguy cơ rủi ro, thất thoát, mất mát, hư hỏng tiền.

Quản lý tiền công đức: Minh bạch vì niềm tin- Ảnh 2.

Ông Trần Văn Thuận, Trưởng Tiểu ban quản lý Đền thờ Tống Duy Tân, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá

Ông Trần Văn Thuận, Trưởng Tiểu ban quản lý Đền thờ Tống Duy Tân, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Hàng tháng, chúng tôi báo cáo với uỷ ban phường. Uỷ ban phường cũng theo dõi trực tiếp chúng tôi về nguồn kinh tế, nguồn xã hội hoá, công đức"

Công đức là khoản đóng góp tự nguyện, tuỳ tâm của mỗi người. Tiền công đức dù là tiền lẻ, nhưng gom lại vẫn là một nguồn tiền lớn. Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 1.500 di tích, danh thắng và gần 300 lễ hội.

Quản lý tiền công đức: Minh bạch vì niềm tin- Ảnh 3.

Thông tư số 04 của Bộ Tài chính ra đời, có những điểm mới như: quản lý thu, chi tiền công đức và các hoạt động lễ hội tại những di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Quản lý tiền công đức: Minh bạch vì niềm tin- Ảnh 4.

Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa

Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Về thu chi tài chính thì chúng tôi cũng rất mong muốn rằng minh bạch để cho các cấp chính quyền cũng như bà con phật tử biết được thu chi ở trong các di tích. Đây là việc nên làm để không làm ảnh hưởng đến công năng phục vụ tín ngưỡng của các sư đối với di tích, cũng như di tích đối với quý phật tử ".

Để Thông tư 04 được triển khai hiệu quả, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi UBND tỉnh các tỉnh, thành phố, hướng dẫn thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa và lễ hội, nhằm giúp cho các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu, hoặc được giao quản lý sử dụng tiền công đức, tự quản lý minh bạch rõ ràng, đúng qui định của pháp luật, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Quản lý tiền công đức: Minh bạch vì niềm tin- Ảnh 5.

Nguồn: THNM 17/12/2023