Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe hoàn thành lắp đặt cabin học lái xe ô tô
Sau thời gian đầu gặp nhiều khó khăn vướng mắc và bị chậm tiến độ, nhờ sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Sở Giao thông vận tải và sự nỗ lực của các đơn vị, đến nay các cơ sở đào tạo lái xe ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành việc lắp đặt cabin điện tử dạy lái theo yêu cầu của Bộ giao thông vận tải.
Mặc dù Thông tư số 04 của Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải lắp đặt cabin điện tử dạy lái trước ngày 1/1/2023, nhưng đến hết tháng 1, trong số 8 cơ sở đào tạo lái xe ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mới chỉ có 2 đơn vị thực hiện lắp đặt cabin. Theo đại diện các cơ sở đào tạo lái xe ô tô, việc lắp đặt cabin điện tử dạy lái gặp khó khăn trước hết do chi phí cao, nhiều đơn vị khó cân đối ngay được nguồn. Bên cạnh đó, đến cuối năm 2022, cả nước mới chỉ có 2 nhà sản xuất cabin điện tử dạy lái được công bố hợp chuẩn, vì vậy năng lực sản xuất không thể đáp ứng kịp nhu cầu lắp đặt của các đơn vị.

Trước thực trạng trên, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ sở dạy lái xe ô tô thực hiện nghiêm quy định của nhà nước; không phê duyệt kế hoạch đào tạo đối với những cơ sở chậm lắp đặt cabin quá thời hạn cho phép; đồng thời hỗ trợ các cơ sở tiếp cận với nhà cung cấp thiết bị cabin đã được Cục đường bộ Việt Nam công bố hợp để lựa chọn lắp đặt.

Ông Đỗ Minh Khánh - Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp lái xe cơ giới đường bộ Thống Nhất, huyện Yên Định
Ông Đỗ Minh Khánh - Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp lái xe cơ giới đường bộ Thống Nhất, huyện Yên Định cho biết, thực hiện theo Thông tư số 04 của Bộ giao thông vận tải, nhà trường đã lắp đặt 2 cabin tập lái. Sở Giao thông vận tải đã giao cho phòng quản lý phương tiện và người lái kiểm tra chất lượng và đánh giá thiết bị cabin lắp đặt của nhà trường đạt chuẩn, do đó thời gian tới nhà trường sẽ tổ chức đưa vào giảng dạy.
Với những nỗ lực nêu trên, đến nay toàn bộ 8 cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều đã lắp đặt cabin tập lái và đưa vào giảng dạy. Tuy nhiên, hiện nay mỗi cơ sở mới chỉ lắp đặt được từ 1 đến 3 cabin, trong khi theo quy định tại thông tư 04 thì mỗi học viên học lái xe ô tô phải đảm bảo tối thiểu đủ thời 3 giờ học cabin tập lái, nên số cabin đã lắp đặt còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Điều này sẽ gây áp lực rất lớn đối với các cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bố trí lịch thực hành tập lái trên cabin cho học viên.

Thiết bị cabin tập lái xe ô tô là mô hình điện tử giúp học viên làm quen, thực hành thành thạo các thao tác, kỹ năng xử lý các tình huống thực hành lái xe trước khi tập lái ngoài đường. Vì vậy, thời gian tới bên cạnh tiếp tục đôn đốc các cơ sở đào tạo căn cứ vào quy mô đào tạo, khắc phục khó khăn trang bị thêm các cabin tập lái, đảm bảo thời gian thực hành cho học viên, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc tổ chức giảng dạy thực hành lái xe của các cơ sở đào tạo không đảm bảo quy định, qua đó siết chặt, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.