“Sống mòn” trong hành lang đường Hồ Chí Minh

08:03 - 25/12/2023

Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua 6 huyện của tỉnh Thanh Hoá với chiều dài gần 130 km. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tuyến đường này không chỉ tạo thuận lợi trong kết nối giao thông mà còn góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, do quy định phạm vi hành lang an toàn của đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, trong khi Nhà nước chưa triển khai đền bù giải tỏa cho những hộ dân sinh sống trong phạm vi cắm mốc, nên hàng chục năm qua, cuộc sống của những hộ dân này gặp rất nhiều khó khăn.

Hầu hết các gia đình đã ở đây trước khi triển khai dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau khi dự án được phê duyệt quy hoạch xây dựng vào năm 2004 thì đến nay, các hộ dân vẫn chưa được đền bù để di dời đến nơi ở mới. 

“Sống mòn” trong hành lang đường Hồ Chí Minh- Ảnh 1.

Không được xây dựng nhà do nằm trong hành lang an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh, cả gia đình anh Cảnh gồm 6 thành viên vẫn phải chen chúc trong căn nhà ọp ẹp này

Đặc biệt, theo quy định mới, hành lang an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh được mở rộng thêm, lên 36,5 mét, tính từ tim đường ra, nên số hộ dân trong vùng ảnh hưởng tăng lên. 

“Sống mòn” trong hành lang đường Hồ Chí Minh- Ảnh 2.

Bất lực trên chính mảnh đất của mình. Các hộ dân sinh sống trong hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh cũng không được cơi nới mở rộng… Không được tách hộ…

Theo Công ty cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ 470, hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 5.500 hộ dân sống trong hành lang an toàn giao thông dọc con đường này. Bà Lê Thị Phục, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Định cho mỗi đứa con một mảnh đất làm nhà nhưng hành lang đường Hồ Chí Minh nên tách sổ khó khăn. Muốn vay vốn làm ăn mà không được".

“Sống mòn” trong hành lang đường Hồ Chí Minh- Ảnh 3.

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Theo quy định của thông tư 50, được phép cải tạo nhà cửa nhưng không được phép cơi nới, mở rộng, thì chính quyền chỉ đạo các xã, khi các hộ có nhà ở xuống cấp thì tạo điều kiện cho họ sửa. Nếu Chính phủ thực hiện theo quy hoạch, địa phương sẵn sàng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bố trí đất tái định cư cho các hộ di dời".

Để mưu sinh, nhiều hộ dân nơi đây vẫn bất chấp quy định, bám đường để kinh doanh, buôn bán, cơi nới, lấn chiếm hàng lang an toàn giao thông. Dù chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí xử lý vi phạm, song để làm triệt để thì vẫn là bài toán khó.

“Sống mòn” trong hành lang đường Hồ Chí Minh- Ảnh 4.

Ông Vi Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Luận Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá

Ông Vi Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Luận Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Hiện nay Nhà nước chưa có giải pháp đền bù cho Nhân dân nên gây khó khăn. UBND thành lập tổ Trật tự thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con Nhân dân, tránh vi phạm khi Nhà nước chưa cho xây dựng. Nhiều hộ gia đình xuống cấp thì hướng dẫn bà con làm thủ tục đơn để tạo điều kiện sửa chữa".

Khi phương án di dời chưa được triển khai, 20 năm đã qua và có thể là lâu hơn nữa, những hộ dân này cùng thế hệ con cháu họ vẫn chẳng thế nào ổn định được cuộc sống. Nếu không quản lý chặt chẽ, thời gian càng lâu, những vi phạm hành lang cũng theo đó mà tăng lên, gây mất an toàn giao thông và làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình đường bộ.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 25/12