Tái tạo phế phụ phẩm trong nông nghiệp - hiệu quả về kinh tế và môi trường

19:20 - 12/03/2024

Thời gian qua, nguồn phế phẩm từ nông nghiệp đang được nhiều nông dân trong tỉnh tận dụng, xử lý để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Biện pháp này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp người chăn nuôi tiết kiệm tới 70% lượng nguyên liệu đầu vào phục vụ chăn nuôi so với phương pháp truyền thống.

Với số tiền 50 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, gia đình ông Lê Duy Dũng, Thôn Tân Phúc, xã Tân Trường, Thị xã Nghi Sơn đã đầu tư mua trâu, bò, lợn, xây dựng hầm biogas phát triển chăn nuôi an toàn sinh học. Khu vực chuồng trại chăn nuôi, ao thả cá và trồng cây ăn quả được bố trí thuận tiện cho việc sử dụng phụ phẩm của trồng trọt để chăn nuôi gia cầm và thủy sản. Theo đó, đối với khu vực chăn nuôi gia súc, gia đình ông đầu tư xây dựng chuồng nuôi khép kín. Nền chuồng được thiết kế thành 2 phần, trong đó 1/2 diện tích nền chuồng phía sau thấp hơn 1/2 diện tích nền phía trước từ 35 - 40cm với độ dốc từ 1-2 độ; phía cuối chuồng nuôi được đặt ống thoát chất thải nối với hầm biogas để xử lý loại bỏ mùi, giảm các chất gây ô nhiễm môi trường. Chất thải chăn nuôi sau khi được xử lý sẽ được đưa vào hầm khí biogas để làm khí đốt, vừa nhằm mục đích xử lý môi trường trong chăn nuôi, vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình.

Tái tạo phế phụ phẩm trong nông nghiệp - hiệu quả về kinh tế và môi trường- Ảnh 1.

Ông Lê Duy Dũng, Thôn Tân Phúc, xã Tân Trường, Thị xã Nghi Sơn, Tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Gia đình tôi có làm hố ga để tận dụng phân thải của đàn gia súc, giảm tải ô nhiễm môi trường, đồng thời nước thải bơm cho cỏ tận dụng nguồn thức ăn cho gia súc. Với mô hình này, gia đình tôi thấy rất phù hợp".

Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp liên tục tăng, đã làm tăng thêm chi phí sản xuất của người chăn nuôi. Vì vậy, nhiều trang trại chăn nuôi đã chuyển hướng từ việc mua thức ăn công nghiệp sang chủ động tự phối trộn thức ăn cho đàn vật nuôi theo phương thức vừa tận dụng các sản phẩm nông nghiệp sẵn có vừa giảm được giá thành đầu vào mà vẫn đảm bảo được dinh dưỡng cho vật nuôi. Để phối trộn thức ăn cho trang trại chăn nuôi gia cầm đảm bảo chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế, chị Nguyễn Thị Nhung, Thôn Quyết Thắng, xã Tân Trường, Thị xã Nghi Sơn đã đầu tư hệ thống máy trộn thức ăn, chuồng trại xây dựng kiên cố, ứng dụng hệ thống tự động hóa quy trình chăn nuôi khép kín, con giống được lai tạo, tuyển chọn chất lượng. Thức ăn chăn nuôi được gia đình sử dụng từ cám gạo, ngô, bột cá, dong riềng và các loại rau xanh trồng được để làm thức ăn cho gà. Từ phương pháp chăn nuôi tuần hoàn khép kín đã góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 50%; tỷ lệ đàn gà sống lên tới 98%. Mỗi năm trang trại chăn nuôi trên 20 nghìn gia cầm thương phẩm và gia cầm giống phục vụ cho nhu cầu thị trường, lợi nhuận đạt 300 triệu đồng.

Tái tạo phế phụ phẩm trong nông nghiệp - hiệu quả về kinh tế và môi trường- Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Nhung, Thôn Quyết Thắng, xã Tân Trường, Thị xã Nghi Sơn, Tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Gia đình tự làm thức ăn để tăng thêm chất xơ, đỡ dịch bệnh. Còn phân sẽ rải trấu, rắc men để giảm mùi hôi trong chuồng trại, con vật được khỏe mạnh".

Với kỹ thuật đơn giản, tiết kiệm chi phí, mô hình nuôi ruồi lính đen (còn gọi là sâu canxi) là một trong những mô hình trong dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai thực hiện tại 15 tỉnh thành trong cả nước. Hiện nay, Thanh Hóa là 1 trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai các nội dung của dự án. Trong 2 năm qua, dự án được thực hiện tại 3 huyện, với 11 xã, thị trấn, trên 800 hộ nông dân tham gia. Theo đó, Hội nông dân các cấp đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn về kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế đã được triển khai thực hiện trong thực tiễn. Hiện nay, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang dần chuyển sang phương pháp chăn nuôi mới, hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Tái tạo phế phụ phẩm trong nông nghiệp - hiệu quả về kinh tế và môi trường- Ảnh 3.

Ông Lê Minh Tới, Thôn Đông Mỹ, xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, Tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Trước đây ta đều xử lý bằng vi sinh cũng phải mất khoảng 3 tháng để tạo ra phân hữu cơ, thì chất lượng sẽ không cao, hiệu quả kinh tế cũng không tốt. Còn nếu ta xử lý bằng con ấu trùng này thì chỉ mất 10 ngày đã tạo ra phân hữu cơ và thức ăn đạm để phục vụ chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy sản". 

Với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện với môi trường, các địa phương đã khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, biện pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo đó, các địa phương đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân đầu tư chăn nuôi khép kín, quy mô lớn. Cùng với đó, ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi khép kín, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh.

Tái tạo phế phụ phẩm trong nông nghiệp - hiệu quả về kinh tế và môi trường- Ảnh 4.

Tái tạo phế phụ phẩm trong nông nghiệp - hiệu quả về kinh tế và môi trường- Ảnh 5.

Ông Lê Vinh Xớn, Chủ tịch Hội nông dân Thị xã Nghi Sơn, Tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Vinh Xớn, Chủ tịch Hội nông dân Thị xã Nghi Sơn, Tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thị xã Nghi Sơn đang tiếp tục nghiên cứu và nắm bắt, trao đổi, rà soát, đánh giá lại các mô hình để trong thời gian tới tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn thực hiện các công nghệ khoa học kỹ thuật mới và sử dunjgmays móc thiết bị cơ khí để chế biến thức ăn để đạt được hiệu quả kinh tế".

Nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải là quá trình sản xuất nông nghiệp kết hợp giữa truyền thống và các tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng những phương pháp quản lý hiện đại theo chu trình khép kín. Các phế phụ phẩm của quá trình sản xuất này lại làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Với quy trình tái tạo phế phụ phẩm trong nông nghiệp đã và đang đem lại hiệu quả được nông dân ở nhiều địa phương áp dụng mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ ngày 11/03/2024