Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm OCOP
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững các sản phẩm OCOP tại các địa phương. Thời gian qua, các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã tăng cường ứng dụng vào sản xuất, phát triển sản phẩm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo hướng đảm bảo đầu ra các sản phẩm, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị, từ đó góp phần tạo thành công cho sản phẩm OCOP của Thanh Hóa.
Cơ sở bánh đa nem Duy Phát xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa có các sản phẩm: bánh đa nem, vỏ ram đạt ocop 3 sao được người tiêu dùng trong tỉnh và nhiều tỉnh khác ưa chuộng như Huế, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Nội…. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, anh Lê Văn Duy, chủ cơ sở bánh đa nem Duy Phát đã đầu tư máy móc, thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, các sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Đây chính là điều kiện thuận lợi để anh Duy tiếp tục đầu tư để mở rộng sản xuất.


Anh Lê Văn Duy, Chủ cơ sở Bánh đa nem Duy Phát, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Anh Lê Văn Duy, Chủ cơ sở Bánh đa nem Duy Phát, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Khi sử dụng máy móc thì hiệu quả và không phụ thuộc vào thời tiết, có thể chủ động hơn trước, tăng hơn làm thủ công gấp 10 lần so với trước".
Xuất phát từ nhu cầu sử dụng cây rau má trong cuộc sống hàng ngày, ông Lê Viết Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã Cây trồng và Vật nuôi Đồng Ngâu, huyện Thọ Xuân đã hình thành ý tưởng phát triển cây rau má thành sản phẩm thương mại có giá trị, hiệu quả kinh tế để phục vụ người tiêu dùng. Trên cơ sở quỹ đất đã được Hợp tác xã tích tụ tập trung, ông Lê Viết Ngọc đã cùng với các thành viên thực hiện việc trồng cây rau má dưới tán cây ăn quả, đồng thời đầu tư kinh phí lắp đặt máy móc, thiết bị để sản xuất bột rau má. Với quy trình sản xuất khép kín và được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, sản phẩm bột rau má của Hợp tác xã đã từng bước chiếm lĩnh thị trường. Đến nay, sản phẩm bột rau má Đồng Ngâu đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đã được bán trên kênh tiêu thụ trên các nền tảng mạng xã hội như :facebook, tiktok, zalo.... Ngoài ra, Hơp tác xã còn trồng và sản xuất thử nghiệm bột cần tây để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.


Ông Lê Viết Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã Cây trồng và Vật nuôi Đồng Ngâu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Ông Lê Viết Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã Cây trồng và Vật nuôi Đồng Ngâu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Ứng dụng máy móc thì hơn hẳn so với thủ công, trước đây bán không được nhiều, giờ có máy móc để làm bột thì tiện lợi và bán được nhiều hơn không những trong tỉnh mà còn các tỉnh ngoài…".
Thời gian qua, huyện Thọ Xuân cũng có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, Hợp tác xã, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản phẩm OCOP, nhất là thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Các hộ đã chú trọng đầu tư máy móc thiết bị hiện đại từ khâu sản xuất đến chế biến đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, huyện Thọ Xuân đã có 32 sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm đạt 4 sao và 31 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Nhiều sản phẩm đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, góp phần đẩy mạnh việc tiêu thụ, thúc đẩy quảng bá các sản phẩm OCOP, làm lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.


Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Ngoài chính sách của tỉnh thì huyện có hỗ trợ thêm để các chủ thể xây dựng thêm cơ sở của mình, nâng cấp thì cũng có cơ chế riêng...".
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh áp dụng công nghệ máy móc trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ, giúp đảm bảo các điều kiện sản xuất về an toàn sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Bên cạnh sự chủ động của các chủ thể sản xuất, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, Hợp tác xã, người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm OCOP. Trong đó, quan tâm những cơ chế, chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu; xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại.


Ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
Ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hiện nay trên địa bàn đã có 2 sản phẩm đạt OCOP, để duy trì và nâng cao hiệu quả thì địa phương tiếp tục tạo mọi điều kiện để mở rộng nâng cao sản xuất, bên cạnh đó địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích các hộ mua sắm các máy móc thiết bị để nâng cao năng suất sản phẩm".
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới là một trong những yếu tố then chốt giúp sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Để nâng tầm sản phẩm OCOP, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP trên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Qua đó giúp các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho các sản phẩm trên thị trường.