Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững các sản phẩm OCOP

16:41 - 17/01/2024

Để nâng cao giá trị sản xuất, khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP trên thị trường, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh góp phần hoàn thiện các tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt nhất, góp phần khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm OCOP của tỉnh trên thị trường.

Điển hình như HTX dịch vụ thương mại ong mật Cẩm Thủy, sau gần 4 năm đi vào hoạt động, đàn ong của HTX luôn duy trì ổn định với số lượng hàng nghìn đàn, cho sản lượng mật hàng chục tấn mật/năm. Không chỉ tận dụng lợi thế sản phẩm tinh túy từ thiên nhiên, HTX còn đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến như máy hạ thủy, tách nước có tác dụng chiết xuất, loại bỏ các tạp chất trong mật ong giúp cho sản phẩm nâng tầm giá trị sản phẩm. Việc đưa máy móc tiên tiến thay thế thiết bị thủ công truyền thống đã tạo ra sản phẩm mật ong thiên nhiên, chất lượng, hương vị thơm ngon hơn nhiều so với mật được quay thủ công, tạo nên sản phẩm riêng biệt. Vì vậy, sản phẩm mật ong của HTX đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Với mục tiêu hướng sản xuất nuôi ong chất lượng cao, xây dựng thương hiệu, HTX đã gắn tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nhanh chóng tiếp cận và kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các kênh bán hàng trực tuyến nhằm quảng bá thương hiệu mật ong đất Cẩm cho sản phẩm mật ong của địa phương.

Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững các sản phẩm OCOP- Ảnh 1.

Trương Thanh Hải, Giám đốc HTX Dịch vụ thương mại ong mật Cẩm Thủy, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Ong mật hương rừng đất Cẩm đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăn nuôi và sản xuất để đạt được thương hiệu OCOP của tỉnh".

Từ khi tỉnh Thanh Hóa có chủ trương triển khai chuyển đổi số trong Chương trình OCOP, huyện Cẩm Thủy khuyến khích người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, kêu gọi các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP, từ đó chú trọng phát triển các sản phẩm nông, lâm sản chất lượng cao mang đặc trưng, thương hiệu riêng của địa phương. Hiện huyện đã có gần 10 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Để nâng cao giá trị sản phẩm, huyện Cẩm Thủy cũng đã tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Đồng thời huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP để các hộ, doanh nghiệp, HTX sản xuất có điều kiện đầu tư mua sắm các máy móc hiện đại để sản xuất nâng cao hiệu quả sản phẩm. Qua đó góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, giúp người dân nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Cẩm Thủy ngày càng phát triển.

Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững các sản phẩm OCOP- Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc HTX Miến dong Thuận Tâm, xã Cẩm Liên huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "So với trước đây, theo nghề truyền thống của các cụ làm miến dong thủ công, tất cả làm bằng chân tay. Khi được đề tài hỗ trợ cho hợp tác, áp dụng máy móc vào sản xuất, năng suất tăng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phậm, chất lượng sản phẩm tốt, sợi miến nhỏ đẹp, dai".

Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững các sản phẩm OCOP- Ảnh 3.

Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa

Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Chúng tôi tích cực cùng các chủ thể, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt cùng chủ thể đưa công nghê, máy móc vào sản xuất sản phẩm OCOP, từ đó mang lại hiệu quả rất lớn".

Từ việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, trên địa bàn huyện Nga Sơn đã xây dựng được nhiều vùng liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá mới trong phát triển sản xuất. Theo thống kê, huyện Nga Sơn hiện có 37 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 28 sản phẩm đạt 3 sao và 9 sản phẩm đạt 4 sao. Hiện nay việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất được nhiều hộ, HTX, doanh nghiệp chú trọng từ việc đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, áp dụng vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chủ động tìm kiếm, hợp tác với các đơn vị để liên kết sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng. Thông qua hiệu quả từ các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cũng cho thấy ưu thế vượt trội và yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất, giá trị của sản phẩm và là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Nga Sơn.

Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững các sản phẩm OCOP- Ảnh 4.

Ông Trần Thanh Phong, Cơ sở nem chua Thanh Lan, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đầu tư máy móc vào dây chuyển sản xuất rất nhanh, 1 ngày sản xuất độ 7-10 tiếng là đủ sản phẩm cho bà con trong dịp Tết".

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Công ty TNHH khoa học công nghệ Đăng Khoa thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Hiện nay đơn vị đã đầu tư các máy móc, đem tại hiệu quả rất cao. Khi sản phẩm đưa ra thị trường vẫn giữ được dược chất, màu, dinh dưỡng và hàm lượng dược chất bên trong sản phẩm".

Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững các sản phẩm OCOP- Ảnh 5.

Xác định khoa học công nghệ là khâu then chốt để phát triển nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Thời gian qua, huyện Thọ Xuân cũng có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản phẩm OCOP, nhất là thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Các hộ đã chú trọng đầu tư các máy móc thiết bị hiện đại từ khâu sản xuất đến chế biến đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần khẳng định tên tuổi, nhãn hiệu của sản phẩm trên thị trường như Bưởi Luận Văn, bánh gai Tứ Trụ, nem nướng, kẹo lạc, dưa kim hoàng hậu…Việc ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần tạo nên thương hiệu, nâng cao chất lượng của sản phẩm, được thị trường nhìn nhận, đánh giá cao. Hiện trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 31 sản phẩm OCOP, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và sản lượng, hoàn thiện kiểu dáng công nghiệp, bao bì đối với các sản phẩm OCOP đã được công nhận trước, từng bước nâng hạng 4 - 5 sao... đảm bảo thị hiếu và nhu cầu của thị trường.

Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững các sản phẩm OCOP- Ảnh 6.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Huyện Thọ Xuân đang tập trung cho việc tích tụ tập trung đất đai, xây dựng mở rộng các diện tích của nhà màng, nhà lưới; chỉ đạo các HTX, doanh nghiệp trên cơ sở liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhiều ưu thế, định hướng cho việc xuất khẩu sản phẩm".

Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ là giải pháp để phát triển an toàn và bền vững, hạn chế tối đa những rủi ro về dịch bệnh do ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục tạo bước đột phá mới về nghiên cứu, chuyển giao trong sản xuất phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, góp phần nâng chất lượng sản phẩm thông qua việc ứng dụng các thiết bị công nghệ hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần cho sản phẩm OCOP ngày càng vươn tầm xa hơn, tạo nên sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ ngày 15/01/2024