Ứng dụng thương mại điện tử để tiếp cận, mở rộng thị trường khách hàng

08:04 - 04/04/2024

Trong thời đại số hóa hiện nay, việc mua sắm, trao đổi hàng hoá trực tuyến qua các nền tảng thương mại điện tử đang dần trở thành xu hướng tiêu dùng phổ biến. Nắm bắt cơ hội này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử và xem đây là giải pháp hữu hiệu giúp tiếp cận, mở rộng thị trường, khách hàng.

Đánh giá từ các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử tại thị trường Thanh Hóa cho thấy: Với ưu điểm không giới hạn về không gian, thời gian, việc kinh doanh qua thương mại điện tử đã giúp các đơn vị, doanh nghiệp tiếp cận, giới thiệu thông tin sản phẩm đến với khách hàng ở mọi lúc, mọi nơi. Doanh nghiệp cũng không phải tốn quá nhiều chi phí cho mặt bằng, nhân sự, giảm thời gian cho việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm. 

Ứng dụng thương mại điện tử để tiếp cận, mở rộng thị trường khách hàng- Ảnh 1.

Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đều có cách theo dõi lưu lượng truy cập và toàn bộ hành trình người dùng để có được thông tin chi tiết từ khóa, thông điệp tiếp thị, trải nghiệm, chiến lược giá cả, giúp doanh nghiệp hoạch định kế hoạch kinh doanh, tiếp cận dễ dàng với khách hàng hơn. Từ thực tiễn những lợi ích đem lại của thương mại điện tử, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp tại Thanh Hoá đang dần chuyển đổi phương thức bán hàng, kết hợp kinh doanh trực tiếp và kinh doanh thương mại điện tử nhằm tiết kiệm chi phí, mở rộng các tệp khách hàng tiềm năng.

Ứng dụng thương mại điện tử để tiếp cận, mở rộng thị trường khách hàng- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Lê Ngọc Linh, Giám đốc Hợp tác xã Bản Thổ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá

Bà Nguyễn Lê Ngọc Linh, Giám đốc Hợp tác xã Bản Thổ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Ứng dụng thương mại điện tử giúp chúng tôi tiết kiệm tối đa chi phi quảng bá sản phẩm đến khách hàng mục tiêu, và độ phủ của nó cũng rất rộng để chúng tôi tiếp cận nhiều hơn với khách hàng và kênh thương mại điện tử chiếm tới 80% kênh chúng tôi tiếp cận khách hàng".

Ông Doãn Trọng Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ KTS Global, tỉnh Thanh Hóa: "Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp mở rộng tệp khách hàng trên không gian internet, liên kết đối tác để mở rộng nhóm sản phẩm dịch vụ phục vụ nhiều hơn cho thị trường".

Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Thương mại điện tử chắc chắn là xu thế không thể đảo ngược. 

Ứng dụng thương mại điện tử để tiếp cận, mở rộng thị trường khách hàng- Ảnh 3.

Do vậy, ưu thế luôn thuộc về doanh nghiệp nào nắm bắt nhanh cơ hội, chủ động đổi mới để thích ứng. Và tất nhiên trên các sàn giao dịch điện tử, cạnh tranh cũng vì thế mà trở nên khốc liệt và sòng phẳng hơn.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 4/4