Xây dựng thương hiệu lúa gạo Thanh Hóa

Mỗi năm Thanh Hóa gieo cấy gần 230 nghìn ha lúa, sản lượng đạt gần 1,4 triệu tấn, trong đó có trên 150 nghìn ha vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm lúa gạo đạt tiêu chuẩn OCOP, xây dựng thương hiệu cho lúa chất lượng cao của các địa phương trong tỉnh.

Huyện Hà Trung là 1 trong những địa phương chú trọng xây dựng thương hiệu cho lúa gạo. Hiện nay, huyện đã có các sản phẩm gạo chất lượng cao được người tiêu dùng biết đến, được chứng nhận là sản phẩm OCOP, như: gạo nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh; gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang, gạo Tiên Sơn số 3. Trung bình mỗi vụ, huyện gieo cấy khoảng 6000 ha, trong đó trên 600 ha là vùng nguyên liệu cho các sản phẩm lúa gạo OCOP. Năm nay, huyện Hà Trung đang xây dựng thêm 2 sản phẩm OCOP từ lúa gạo. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, liên kết sản xuất là điều kiện cơ bản để Hà Trung xây dựng thành công các sản phẩm lúa gạo đạt tiêu chuẩn OCOP, nâng cao giá trị lúa gạo trên địa bàn.

Xây dựng thương hiệu lúa gạo Thanh Hóa - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo, liên kết thu mua sản phẩm. Sau khi xây dựng được thương hiệu, giá trị tăng, tiêu thụ siêu thị, cửa hàng sản phẩm chất lượng cao".

Hiện nay, Thanh Hóa có 7 cơ sở chế biến lúa gạo, sản lượng gạo thành phẩm đạt 180 nghìn tấn. Cùng với đó, có khoảng 7.000 cơ sở xay sát gạo, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ. Với sự đầu tư liên kết sản xuất của các cơ sở chế biến, hiện Thanh Hóa đã có 10 sản phẩm lúa gạo đạt chứng nhận OCOP. Cùng với đó, nhiều sản phẩm lúa gạo khác đã được đăng ký tem nhãn, mẫu mã bao bì, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao giá trị cho sản phẩm.  

Xây dựng thương hiệu lúa gạo Thanh Hóa - Ảnh 3.

Ông Vũ Quang Trung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa: "Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến lúa gạo trên địa bàn, các địa phương đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để xây dựng các mô hình sản xuất lúa quy mô lớn, chất lượng cao, tạo vùng nguuyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến".

Theo định hướng của ngành nông nghiệp Thanh Hóa, những năm tới, diện tích trồng lúa của tỉnh sẽ không mở rộng, thậm chí còn bị thu hẹp, do mỗi năm sẽ chuyển đổi linh hoạt khoảng 2000 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Do vậy việc tăng cường chế biến sâu, chú trọng xây dựng thương hiệu được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất lúa gạo trên địa bàn./. 

Nguồn: Bản tin THNM ngày 17/2/2023