Thanh Hoá tìm hướng phát triển cho du lịch cộng đồng

Thanh Hoá được đánh giá là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển của loại hình du lịch cộng đồng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nhận thức rõ những tiềm năng đang bị lãng phí, nhiều địa phương trong tỉnh đã nỗ lực tìm hướng phát triển cho loại hình du lịch này với mong muốn tạo sinh kế cũng như thay đổi tư duy làm kinh tế cho người dân địa phương.

Đây là lần đầu tiên những du khách tỉnh ngoài này biết đến Làng du lịch Yên Trung ở huyện Yên Định. Đối với họ, ngoài Pù Luông, Thanh Hoá gần như không có thêm cái tên nào ghi được dấu ấn trên bản đồ du lịch cộng đồng. Có thể thấy, vấn đề truyền thông đang là một trong những lý do khiến cho nhiều du khách chưa biết đến các điểm du lịch cộng đồng khác tại Thanh Hoá. Việc Công ty TNHH Dịch vụ khách sạn Anh Phát tổ chức chương trình famtrip, đưa du khách cùng các đơn vị lữ hành tham quan tại các hệ thống dịch vụ khách sạn - nhà hàng - Khu du lịch Anh Phát là cơ hội để du lịch cộng đồng tại Thanh Hoá được biết đến nhiều hơn.

Thanh Hoá tìm hướng phát triển cho du lịch cộng đồng- Ảnh 1.

Chị Đinh Thị Diệu Linh, du khách Hà Nội chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi đến làng du lịch Yên Trung. Ở đây rất là yên bình, mang nét đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa. Tôi nghĩ khách nước ngoài rất là thích".

Nhận thấy tiềm năng du lịch cộng đồng lâu nay là một thế mạnh chưa được khai thác triệt để, trong năm 2024, huyện Quan Hoá đã lập kế hoạch đầu tư bài bản, đồng bộ hơn, trong đó đặc biệt tập trung làm mới các hoạt động du lịch vốn có, phục dựng các lễ hội truyền thống, tạo thêm các hoạt động trải nghiệm mới cho du khách…

Thanh Hoá tìm hướng phát triển cho du lịch cộng đồng- Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá

Bà Phạm Thị Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Huyện Quan Hóa xây dựng Đề án phát triển du lịch huyện Quan Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 20245; đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với những khu vực có nhiềm tiềm năng dịch vụ du lịch; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư để phát triển du lịch; tổ chức các ngày hội văn hoá thể thao du lịch định kỳ; kết nối du lịch với thị trường trong và ngoài tỉnh".

Thời gian qua, các địa phương đã bắt đầu quan tâm đầu tư, khai thác và phát triển tài nguyên du lịch, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Tư duy làm du lịch cũng đã hình thành và thay đổi nhận thức của nhiều người dân, đặc biệt là người dân khu vực miền núi. Với những lợi ích bước đầu mà du lịch mang lại giúp người dân mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, linh hoạt thay đổi cách thức tiếp cận thị trường để đón khách du lịch đến với quê hương của mình.

Thanh Hoá tìm hướng phát triển cho du lịch cộng đồng- Ảnh 3.

Bùi Văn Đại, Chủ cơ sở lưu trú Suối Mây Garden, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Mặc dù số tiền đầu tư ban đầu khá lớn nhưng mình nghĩ sẽ ổn. Mình sẽ đóng góp cho sự phát triển quê hương để khi nhắc đến Thạch Lâm, người ta sẽ không còn nghĩ là vùng quê nghèo nữa, mà họ sẽ nhớ đến Thạch Lâm ở vị thế khác, là điểm du lịch. Mình tin mô hình du lịch của mình sẽ cùng mọi người phát triển".

Thanh Hoá tìm hướng phát triển cho du lịch cộng đồng- Ảnh 4.

Có thể thấy, để du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững, ngoài cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa bản địa khác biệt, trước tiên, cần một cộng đồng đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ lợi ích. Bên cạnh đó là sự song hành, chung tay, định hướng của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Và chỉ khi, người dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương, lúc đó du lịch cộng đồng mới có thể phát triển bền vững.