ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 11/09/2023 16:38

Truyện ngắn: "Lời dặn cuối cùng" | Từ Nguyên Tĩnh | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn truyện ngắn “Lời dặn cuối cùng” của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh qua giọng đọc Lê Dung.

Đêm ấy chỉ còn mình tôi và Phú trực ban. Nó ngồi thu lu trên ghế chẳng nói chẳng rằng. Mọi lần ngồi trực thế này bao giờ cu cậu cũng  ba hoa chích chòe nói "về vợ tớ". Cậu có phụ danh là "nháy" ấy tự phụ: - Đừng có ai coi thường về cái nháy của mình nhớ, vì nó mà cô em mê tít thò lò đi ấy. Rồi Phú lại nháy nháy con mắt như nuốt lấy những vì sao xa xôi.

Nhưng hôm nay Phú "nháy" ngồi trầm lặng. Tôi bảo cậu mới đi phép về để bọn tớ trực cho rồi mai hãy trực. Nhưng Phú không nghe. Tớ được bồi dưỡng mắt rồi, các cậu trực hàng tuần nay còn gì.

Tôi còn nhớ buổi chiều khi đứng cảnh giới, Xuân "ba toác" đã hô toáng lên:

- Tiểu trưởng kìa! Phú nháy lên phép.

- Đâu? Cậu chỉ ba toác thôi! - Tôi nạt Xuân.

- Không phải Phú "nháy" còn ai kia?

Tôi ngó xuống phía chân đồi, Phú đang xiu liu đeo ba lô lên dốc, thấy nói Phú trả phép, Thêu kều từ hầm chui ra hỏi dồn:

- Đâu nào? Ba toác? Rồi Thêu ào xuống đón Phú từ triền dốc.

Tiểu đội mười bốn li vác của tôi còn có bốn người, kể cả Phú đi phép chúng tôi phải trực nhiều hơn, nhưng ai cũng thấy mừng dồn cho chuyến phép của Phú. Kể ra chiến tranh chuyện phép tắc đâu còn nữa. Nhưng với Phú lại là chuyện khác, anh nhận được liên tục điện báo "mẹ ốm nặng con về ngay". Mà Phú chỉ còn có người mẹ, bố mất từ khi anh còn ẵm ngửa, mẹ ở vậy nuôi con, có tiêu chuẩn đi lính đâu, nhưng khi biết Phú dấu nhà xin đi bộ đội, mẹ biết chỉ còn cách khóc. Rồi cũng đành chịu mẹ mà cưới vợ, con bé ấy mê cái "nháy" của mình. Biết làm sao được phải chiều mẹ thôi.

Thằng Xuân miệng cười hếch hoác vừa cưa lược, rằng tiểu đội phó "nháy" đi phép về trả thù cho đồng đội vất vả nhá. Còn Thêu thì ra vẻ thông cảm, ở tiểu đội này chẳng gì Thêu cũng là nhân vật số hai có vợ. Còn Phú lại càng nháy nhiều hơn, Cục hầu nhảy nhót khi chú chàng nuốt nước bọt nói chuyện:

- Tao có cái số đào hoa mà lỵ! - Đấy nó lại nháy vào nòng pháo y như là cô vợ đứng ở đó - Tao mới "nháy"

đã nói gì đâu. Cô nàng cười, đấm vào lưng mình. Ồ! Sao anh lại nháy em - Em quen biết anh đâu. Rõ thật là sao lại không, cô ở Đồng Mai chứ gì - Ai bảo không có số, tại sao mình và cô ấy "sướng nhau"!

Xuân há hốc miệng nghe Phú "nháy" thuyết trình, rồi cái miệng lại không để hở, giao hẹn:

- Này, tiểu phó!

- Gì? - Phú không nháy mắt nhìn Xuân cảnh giác.

- Nếu như mà chị ấy còn cô em gái nào!

- À! Tớ hiểu rồi! Còn! - Phú khoái chí một cách hào phóng.

- Tình yêu "hiện đại" như anh... thì em nhận!

Phú khẽ cựa mình, chiếc áo bạt sột soạt, chiếc mũ sắt va đập vào bệ pháo.

- Này!

- Gì? - Tôi hỏi lại.

- Hút đi! - Phú đưa cho tôi điếu thuốc.

Ánh lửa chiếu vào khuôn mặt Phú hốc hác. Một cái gì đó, không rõ rệt dào lên trong tôi. Tại sao Phú mới đi có nửa phép mà đã về đơn vị. Hay có chuyện gì trắc trở trong gia đình.

Nói là đơn vị nhưng chúng tôi có một tiểu đội pháo 14,5 ly đi "phối thuộc" có bảy đứa. Nhiệm vụ là bắn máy bay bay thấp ở thượng nguồn sông Mã vào đánh cầu Hàm Rồng. Tiểu đội có bảy người nhưng hy sinh mất ba, chưa kịp bổ sung. Tôi được lên thay tiểu đội trưởng đã hy sinh. Phú thay tôi làm tiểu đội phó. Tuy vậy chúng tôi sàn sàn tuổi nhau. Phú được ba tuổi quân, tôi hơn vài tháng. Xuân lính "thu dung", lúc mới về đơn vị, Phú nắm lấy cổ áo nháy mắt dọa: - choảng nhau chết bỏ, nếu chạy là tao chúc nòng pháo xuống xả đạn đấy. Thêu cười đệm thêm: - Máy bay còn bắn rơi nữa là cậu!

Cả bọn cùng cười bò ra khi Xuân cởi ngay cái áo ra, mặt đỏ phừng phừng cáu:

- Các anh đừng coi thường thằng binh nhất này nhé! Mười chín phẩy năm phần trăm thương tật đấy, khinh không thèm nhận loại một đâu, loại một về địa phương đi sau mấy bà ấy chắc.

Cũng vì vậy Xuân có cái tên Xuân - Ba - Toác, cũng có khi thuận miệng, Thêu gọi là "ngài binh nhất ba toác". Lần đầu tiên gặp Phú, Xuân đã hỏi một cách ngây thơ:

- Anh nháy như thế làm sao bắn được máy bay?

- Chà! Cậu thật là... con gái bị nháy còn rụng nữa là máy bay! - Phú tự phụ nói cùng Xuân.

Trưa đó, Phú doạt một điểm xạ dài vào chiếc A3j từ phía Lèn bay vào làm Xuân phục xanh mắt.

Nhìn điếu thuốc cháy tôi biết Phú có điều gì không

  145 được vui. Phú quay hẳn người sang phía tôi, cởi chiếc áo bạt đặt lên ghế, với giọng nói hổn hển rất lạ: - Hết rồi cậu ạ!

- Sao bà cụ khỏe rồi kia mà! - Tôi lo lắng hỏi. - Chuyện vợ kia - Vợ mình ấy mà!

- Sao?

- Có gì đáng nói nữa hả cậu?

Tôi ngồi lặng đi không biết động viên Phú ra sao. Những vì sao nhấp nháy như những con mắt tinh nghịch nhìn chúng tôi. Đâu đó từ xa xôi tiếng ì ầm của máy bay vọng lại.

Đêm ấy mình về đến đầu làng - Phú kể, cục hầu khẽ chuyển động lên xuống. Hồi hộp quá. Mẹ mình ra sao rồi đây? Người vợ trẻ sau ba năm cách xa, chắc nóng lòng chờ mình. Cậu bảo chúng mình lấy nhau trong nhịp điệu của chiến tranh. Tuy thời gian tìm hiểu không lâu, nhưng mình tin vào cô ấy. Cậu đã nhìn ảnh rồi chứ. Bên ngoài con người còn xinh hơn kia. Hàm răng vợ mình cười ấy à, chắc cậu cũng mê. Đôi mắt mà nhìn ai ư? Mình tưởng là tan biến ra cái lần ấy, Cô ấy bảo mình sao lại nháy ấy mà, nhưng mà thôi nói làm gì về cái đẹp ấy nữa...

Qua con sông của làng tớ bằng một chiếc cầu. Chiếc cầu làm từ thời thằng Pháp kia mà, những ngày chưa đi lính bọn thanh niên chúng mình thường vẫn rủ nhau ra ngồi hóng mát. Nó là niềm tự hào của tụi chúng mình. Chiếc cầu ấy là nơi nối những tình yêu. Nhớ lại, cái đêm ấy, mình cùng mấy đứa bạn đi xem phim về. Trăng sáng quá, thú thật với cậu mình đoảng hay sao ấy, những đêm trăng ấy sao mà khó ngủ quá. Mình bị cái gì đó day dứt trong người. Mình tiếc cái gì không rõ rệt. Rằng mai sau khi rời khỏi trái đất này, ai sẽ là người đi ngắm trăng thay mình. Ai ở trên đời này có thể hiểu giống mình, có thể cùng mình nói được nỗi niềm ấp ủ này. Lại còn người mẹ mình nữa, cả đời góa bụa nuôi con. Quyết chí ra đi rồi, nhưng nghĩ lại thương mẹ. Nếu mình có mệnh hệ gì thì chắc mẹ sẽ chết mất. Nhưng cuộc đời có lẽ ngán nhất là bị cái buồn làm cho nhụt chí, thấy mình hèn kém, phải không cậu? Phú nháy nháy con mắt như mỉm cười với ai đó từ ở chốn xa xôi - Anh lại móc thuốc ra châm hút. Ánh lửa chập chờn soi khuôn mặt của Phú. Thật bất ngờ quá, Phú nhìn tôi trần trân đôi mắt như hút mất nguồn sáng từ những vì sao xa xôi. Lần đầu tiên từ khi sống với Phú tôi cảm nhận thấy cái đẹp của anh. Không hiểu sao một cảm giác sờ sợ len lỏi trong tôi. Nhỡ mai kia chúng tôi không còn trên đời này nữa, có ai nhớ đến mình không?

Phú khẽ nháy mắt dường như lấy lại dòng suy nghĩ, anh kể tiếp.

- Thế là đi bộ một ngày rưỡi cũng về đến nhà. Về đến chiếc cầu "giao duyên" ấy đã khuya. Mình nói với cậu về đêm trăng ấy chưa nhỉ? Chính đêm trăng ấy mình gặp được Ngần. Cô gái ấy cũng tuyệt vời như cái tên ấy. Chúng mình thường nói cùng nhau những chuyện chẳng đâu vào đâu.

Mình hỏi Ngần:

- Em chờ anh nhé!

- Vâng!

- Bao giờ?

- Mãi... mãi... mãi!

- Ngộ nhở anh có sao?

- Đừng! - Ngần đưa bàn tay thon nhỏ đặt lên miệng mình không cho nói hết lời. Cô ấy ngã vào vai mình khẽ nấc lên. Chắc cuộc đời sẽ tốt đẹp anh ạ! Chắc những người yêu nhau trên trái đất này đều tuyệt vời - Cô ta nói cô ấy chỉ yêu có mình thôi. Rằng là có những người có tạng như mình thì hay sợ vợ, mà tội gì lại không lấy những người sợ vợ để được chiều chuộng. Chúng mình cười một cách thích thú. Nói thật cùng cậu, trên đời này có lẽ không có lần thứ hai nào trong đời có được những phút giây thiêng liêng như vậy.

Xuân và Thêu chạy từ hầm ngủ ra pháo, giọng ngái ngủ chửi đổng:

- Tiên sư lão Giôn Xơn!

- Về vị trí đi! - giọng Phú khô lạnh nhắc.

Tiếng kẻng báo yên từ phía cầu Hàm Rồng rộ lên. Tôi bảo Xuân và Thêu về hầm ngủ đi, để chúng tôi trực nốt phần đêm còn lại. Hai đứa tôi ngồi trên mâm pháo, tâm trạng trống trơn một cách kỳ lạ. Tôi không muốn giục Phú kể tiếp vì sợ Phú buồn.

Phú khẽ cười: - Nhưng ông đừng nói với các cậu ấy làm gì nhé!

- Ờ! Ông lại phải dặn! - Tôi đáp lại một cách chua xót.

- Là mình nói vậy! Còn không việc gì mà phải lo cả.

Không hiểu sao tôi muốn quát thật to lên cùng Phú, thôi mày đừng kể nữa làm gì. Chắc con Ngần bỏ mày đi với trai rồi chứ gì, nhưng tôi lại kịp kìm lại nỗi tức giận vì cô ấy.

- Cây cầu ấy! Đến chết mình cũng không quên được ông ạ! - giọng Phú bùi ngùi. Mình lên đến cầu thì đã khuya. Đâu đó có tiếng gà gáy. Đêm đen tối như mực, chiến tranh mà và giờ này còn có ai thắp đèn đóm làm gì nữa. Nhưng kìa, có hai bóng người đang ôm chặt lấy nhau, có tiếng khóc thút thít. Mình sững sờ cả người, chân tay tự dưng bủn rủn cả ra. Quái lạ, họ không sợ chết hay sao. Cái cầu này đã bao lần bị bom rồi còn gì? Nhưng có kể gì, khi họ đã yêu nhau mà.

Đó là tâm lý của mình giật thót người khi thấy chân giá tình yêu của họ. Họ cũng yêu say đắm như mình ấy thôi. Mình sợ làm rầy đến tình yêu của họ. Mình sẽ là kẻ phá bĩnh họ giờ phút thiêng liêng trong đời họ. Mình khẽ rón rén quay lại dốc cầu ngồi, ẩn mình vào gốc gạo chờ cho phút giây ấy qua đi. Hoặc họ nghe tiếng gà gáy mà về đi. Nhưng không, cặp ấy mới dai hoi làm sao, mình nghe thấy tiếng họ nức nở. Biết rằng nghe chuyện của người khác là xấu, nhất là khi họ yêu nhau, nhưng làm sao được mình có muốn đâu. Làm sao được cả ba con người xa lạ cùng ngồi đến sáng hay sao? Còn mẹ mình ốm nặng đang chờ mình từng giây, nếu nhỡ ra mẹ có hệ trọng gì, mà mình ngồi đay thì sao, thà như không về còn có nhẽ. Ngần của mình chắc đỏ mắt khóc vì vất vả và nhớ mình. Họ đã không biết điều thì mặc họ, cái xấu không được che đậy là do họ. Mình phải bấm đèn pin để chứng tỏ là người ngay cậu ạ. Biết là bất lịch sự nhưng làm khác sao được.

Không bấm vào họ nhưng mình cũng kịp nhận ra người con gái vội kéo áo xuống rúc đầu vào người đàn ông kia. Mình cũng kịp nhận ra và thật ngu làm sao đã thét lên: - Ngần!

Không hiểu sao mình lại lên đạn cậu ạ!

Tôi chồm sang phía Phú, nó nháy nháy cặp mắt lia lịa như có sợi dây vô hình nào ở các vì sao đang lay gọi. Tôi nghe tim của anh ta đập liên hồi.

- Hai đứa ấy quỳ xuống xin mình tha tội chết! - Giọng Phú kể một cách lạnh lùng - Mình muốn bắn cho mỗi đứa một phát và một phát cho mình. Nhưng cậu bảo làm thế còn ra gì nữa. Nó là tay động viên mình trước bọn trai làng ra trận. Nó ca ngợi mình là người biết vì nghĩa lớn. Nó lại cũng nới với vợ mình, rằng mình hy sinh nhưng chưa có giấy báo tử. Nó bảo nó quý và thương mình như ruột thịt nên muốn chia sẻ cùng Ngần nỗi đau. Nó khéo tỏ vẻ làm cho Ngần mềm lòng. Nó nói những điều ngọt ngào về tình yêu hiện đại trong chiến tranh. Nó có phải là kẻ thù của mình không cậu? Mình có nên bắn nó không?

Ngần thú nhận với mình rằng đã có mang mấy tháng. Cô ấy muốn lao đầu xuống sông để chết. Mình khuyên Ngần nên sống vì đứa con. Sáng ra mình đánh thức mẹ dậy. Mình quỳ xuống chân mẹ, Ngần cũng quỳ xuống chân mẹ, cô ấy khóc.

- Mẹ! Con còn sống đây!

- Ôi! Con, thế mà có kẻ bảo con đã chết rồi! - Không con còn sống đây!

- Con ở nhà lâu không, con!

- Con xin mẹ đừng nói cùng ai con về!

- Sao lại thế hả con?

- Đêm mai con lên đường mẹ ạ!

- Con không ở lại lâu hơn được ư?

- Không mẹ ạ! Con gặp mẹ rồi, con vui lắm mẹ ạ!...

Phú dặn mẹ thương Ngần. Mẹ chẳng nói gì chỉ kéo vạt áo lau nước mắt.

Tôi nhìn Phú lầm lũi lau pháo như nghe những lời nói của anh văng vẳng bên tai. Thằng Xuân ba toác phì phèo điếu thuốc lá nói giọng lù khú:

- Thế nào cụ Phú "nháy", chuyến này bà chị có "cứt gián" (có thai ) chứ?

- Mày chỉ bố láo bố lếu! - Tôi lia mắt nhìn Xuân.

- Biết gì mà vẽ chuyện! - Thêu kều biết Phú không vui nên phụ họa.

Mặt trời bò lên chậm chạp từ phía Lạch Trường, chiếu đỏ rực cả khúc sông. Tiếng hò đâu đó từ phía làng Yên Vực vẳng sang, hư thực.

Nhưng tiếng kẻng báo động rộ lên làm vang cả một vùng.

Lại vẫn giọng Xuân "ba toác": - Choảng nhau à! Choảng đi nào sợ gì?

- Thôi ngài binh nhất chú ý kẻo thiếu đạn đấy! - Thêu nạt Xuân.

Trận địa pháo 100 và 57 đã nỗi lửa rồi, những ánh chớp sáng rực cuồn cuộn đang dâng cao. Tôi cho pháo quay về phía thượng nguồn sông Mã đón lỏng. Tiếng Phú khẽ khàng:

- Bắt mục tiêu núi "Quyết tâm"!

- Chuẩn bị!

- Tiêu! - Thêu đáp lại ngắn gọn.

- Chiếc đầu tiên điểm xạ dài! - Tôi quát lên, sợ mọi người không nghe rõ tiếng mình!

- Tiêu!

- Bắn!

Tiếng quát của ai đó từ trận địa 54 dội lên:

- Cường kích cao điểm 134!

- Cường kích! - Tôi hô lạc cả giọng.

Phú quay pháo ngoắt lại 180 độ, chân dậm mạnh vào bàn cò.

Xuân "ba toác" réo lên thất thanh:

- Bom!

Tôi chưa kịp ngoái lại thì Phú đã lao xuống khỏi mâm pháo cầm quả bi quẳng ra ngoài công sự. Nhưng quả bom bi chỉ kịp chạm vào thành công sự đã nổ tóe ra hàng trăm mũi tên lửa bắn vào chúng tôi. Phú quay lưng lại ôm choàng lấy tôi, anh như chiếc áo giáp nhận lấy những viên bi vào lưng vào gáy.

Tôi và Xuân kịp khiêng anh vào hầm pháo. Thêu lên bờ công sự phất cờ lia lịa, tín hiệu xin cấp cứu. Nhưng muộn mất rồi, Phú mở mắt trừng trừng không  nháy. Tay anh nắm chặt lấy tay tôi. Tôi cúi xuống áp vào mặt anh gọi trong nước mắt: - Phú ơi! Phú!

- Anh Phú! - Xuân òa lên khóc.

Phú mắt nhắm nghiền lắc đầu thều thào: - Mẹ ơi!

Tôi nắm chặt lấy tay Phú cố gọi tên anh. Phú mở mắt nhìn tôi, nói rành rọt:

- Con của Ngần sắp ra đời - Anh khai là con của Phú... hộ nhé... Đằng nào thì em cũng yêu cô ấy..."

Tiếng bom bi đì đùng tiễn Phú vào nơi yên nghỉ cuối cùng, bên dòng sông Mã trong xanh./.

Nguồn: Trang văn nghệ ngày 27/8/2023


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận