tin ảnh

Bảo vệ rừng dựa vào nhân dân

(TTV) - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”, trong suốt những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tham gia có hiệu quả vào công tác bảo tồn và phát triển rừng, trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng, góp phần đưa Xuân Liên trở thành điểm sáng về bảo tồn đa dạng sinh học ở Thanh Hóa.

Mai Ngọc- Đức Tình

10/08/2022 08:36
Bảo vệ rừng dựa vào nhân dân - Ảnh 1.

Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nằm trên địa bàn huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa được các nhà nghiên cứu khoa học lâm nghiệp trong nước đánh giá là một trong 5 trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học cao ở Việt Nam.

Bảo vệ rừng dựa vào nhân dân - Ảnh 2.

Hệ thực vật nơi đây rất phong phú và đa dạng với 572 loài. Đặc biệt, trong khu bảo tồn ở độ cao từ 800 – 1600m còn tồn tại trên 4.230 ha rừng nguyên sinh với sự hiện diện của nhiều loài thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như cây Pơ mu, Sa mu, Sến, Táu…

Hệ động vật trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cũng khá đa dạng với 55 loại thú thuộc 8 bộ, 143 loài chim, loài bò sát, trong đó, có 94 loài động vật đặc hữu, quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. 

Bảo vệ rừng dựa vào nhân dân - Ảnh 4.

Hiện nay, khu vực vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã có 12 tổ đội tham gia quản lý bảo vệ rừng cộng đồng với 1.248 lượt tổ viên tham gia. Trong 5 năm qua, các tổ bảo vệ rừng đã tổ chức tuần tra, kiểm tra 2.905 lần. Thông qua giao khoán bảo vệ rừng cho người dân đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong quản lý và bảo vệ rừng.

Trong suốt những năm qua, bất kể dù ngày hay đêm, dù nắng hay mưa các thành viên Tổ bảo vệ rừng thuộc bản Lửa, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân theo định kì mỗi tháng 2 lần thực hiện tuần tra các lô rừng, khu vực rừng đã nhận giao khoán, bảo vệ. Nhờ việc tuần tra thường xuyên nên an ninh rừng nơi đây luôn được giữ vững.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã tích cực tiếp cận với các tổ chức trong và ngoài nước, tìm nguồn tài trợ cho các dự án phát triển dân sinh, kinh tế cho nhân dân. Trong những năm qua, đơn vị đã triển khai thực hiện được trên 30 dự án, mô hình phát triển nông, lâm nghiệp, trong đó tập trung vào các mô hình chăn nuôi bò, lợn thịt, nuôi ong mật, nuôi dúi...

Bảo vệ rừng dựa vào nhân dân - Ảnh 7.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cũng kết nối với các doanh nghiệp miền xuôi để đưa nghề đan lát thủ công mĩ nghệ nhân rộng cho chị em phụ nữ. Đến nay thu nhập trung bình của các chị em tham gia nghề đan lát đạt từ 70-100 nghìn đồng 1 ngày.

Kinh tế ổn định, chất lượng cuộc sống tốt hơn đã trở thành động lực để người dân và cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên tiếp tục gắn bó với công tác bảo vệ rừng, kiên trì khắc phục mọi thiếu thốn về trang thiết bị, không quản ngại khó khăn lặn lội trong rừng để triển khai nghiên cứu, bảo tồn nhiều loại động, thực vật quý hiếm.

Trong 5 năm qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã thu hút và triển khai thực hiện hiệu quả 11 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, đóng góp đáng kể cho mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học. Nhiều chương trình nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn để hỗ trợ nâng cao đời sống cho người dân.

Thực hiện: Mai Ngọc- Đức Tình

Trình bày: Minh Hương

Nguồn: Chuyên mục Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày 8.8

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận