tin ảnh

Ký sự Nhất nghệ tinh - Hồi sinh làng ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô

Làng Hồng Đô thuộc huyện Thiệu Hóa là một làng nghề thủ công truyền thống có hàng trăm năm tuổi. Người dân trong làng không rõ nghề ươm tơ, dệt nhiễu được truyền từ đâu và tự bao giờ. Chỉ biết nong tằm, khung dệt đã trở thành người bạn thân thiết của của biết bao gia đình, bao thế hệ và cứ thế cha truyền con nối cho đến tận ngày nay. Với công đoạn khép kín, bí quyết gia truyền, thương hiệu nhiễu Hồng Đô từ xưa đã nổi tiếng khắp cả nước.

Mai Ngọc- Mạnh Tuấn- Thu Trang- An Thư

19/09/2022 23:45

Theo lời kể của các cụ cao niên, làng Hồng Đô còn có tên gọi là làng Hồng thuộc tổng Thiệu Hóa chuyên làm nghề nuôi tằm, ươm tơ và dệt nhiễu. 

Tương truyền vào thế kỉ XV, trong một lần anh hùng dân tộc Lê Lợi bị giặc Minh truy kích, ông đã ẩn náu tại làng Hồng, được người dân mang những tấm nhiễu làm ra phủ lên người để che giấu. Sau khi lên ngôi, hoàng đế Lê Lợi đã ban cho làng tên mới là Hồng Đô.

Vào nửa đầu thế kỉ 20 thương hiệu nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô đã phát triển ngang hàng với các nghề truyền thống nổi tiếng cả nước như lụa Hà Đông, tơ Nam Định. Nguồn tơ đẹp, mượt, kỹ thuật dệt tinh xảo tạo nên những tấm nhiễu có giá trị cao là một trong những món hàng quý vào bậc nhất thời bấy giờ. Hơn nữa, người dân trong làng vốn chăm chỉ, khéo léo, cùng với đất đai trù phú phù hợp với nghề trồng dâu nuôi tằm giúp cho nghề ngày càng trở nên thịnh vượng.

Dẫu vậy, làng nghề 100 tuổi này từng trải qua những thăm trầm. Vào những năm cuối của thế kỉ 20, trong xu thế hội nhập nền kinh tế thế giới, sản phẩm tơ, nhiễu Hồng Đô không đủ sức cạnh tranh với các hàng may mặc, tơ lụa công nghiệp. Làng nghề đứng trước nguy cơ mai một, tưởng chừng không thể vực dậy.

Ký sự Nhất nghệ tinh- Hồi sinh làng ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô  - Ảnh 2.

Nhằm khôi phục và phát triển nghề truyền thống, tháng 7 năm 2011, xã Thiệu Đô trước kia nay thuộc thị trấn Thiệu Hóa thành lập tổ hợp tác liên minh trồng dâu nuôi tằm. Ngoài ra, tỉnh và huyện Thiệu Hóa  cũng hỗ trợ về vốn, công nghệ. Nhờ trồng các giống dâu mới năng suất cao hơn nhiều so với giống dâu cũ và đầu ra ổn định, làng tơ nhiễu Hồng Đô đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. 

Ký sự Nhất nghệ tinh- Hồi sinh làng ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô  - Ảnh 3.

Nuôi tằm đã vất vả, công đoạn ươm tơ còn công phu hơn nhiều. Nhưng dường như được sinh ra và lớn lên ở vùng đất ươm tơ dệt nhiễu từ xa xưa, bàn tay của những người thợ điêu luyện như vốn có sẵn trong gien di truyền. 

Ký sự Nhất nghệ tinh- Hồi sinh làng ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô  - Ảnh 4.

Trở lại với nghề sau thời gian vắng bóng, những đôi bàn tay của các chị vẫn thoăt thoắt bắt từng sợi tơ vàng óng nhả ra từ những con tằm với sức nóng lên tới 100 độ C. Đã bao đời nay bí quyết và những kỹ thuật riêng biệt đang mang lại cho làng nghề Hồng Đô một thương  hiệu mà không phải nơi nào cũng có được.

Những ngày vào vụ, ở làng Hồng Đô, đâu đâu cũng nghe tiếng lách cách của con thoi, tiếng máy quay tơ êm êm, nhè nhẹ. Cả một vùng đồng ruộng bát ngát nương dâu và những bó tơ vàng, trắng óng ánh giăng đầy sân phơi.

Hiện nay Thiệu Hóa có tới 27 cơ sở tham gia thu mua và chế biến kén tằm. Nhiều hộ dân còn đứng ra thu mua tơ tằm từ các huyện lân cận về phát triển nghề ươm tơ dệt nhiễu.

Ký sự Nhất nghệ tinh- Hồi sinh làng ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô  - Ảnh 8.

Sau thời gian dài lụi tàn, giờ đây sản phầm tơ và nhiễu Hồng Đô đã được khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Thương hiệu tơ Hồng Đô từng nức tiếng một thời giờ tiếp tục có chỗ đứng trên thị trường, sánh vai với các làng tơ, lụa nổi tiếng trong nước như lụa Hà Đông, tơ Nam Định. Sản phẩm tơ, nhiễu Hồng Đô còn được các nước trong khu vực Asean như Thái Lan, Lào, Caphuchia… ưa chuộng.

Ký sự Nhất nghệ tinh- Hồi sinh làng ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô  - Ảnh 9.

Với bề dày truyền thống của một làng nghề nức tiếng, cùng với lòng yêu nghề, sự quan tâm và định hướng phát triển mô hình sản xuất phù hợp, trong thời gian tới, chắc chắn làng nghề ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô sẽ khởi sắc hơn nữa, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế địa phương.

Nguồn: Ký sự Nhất Nghệ tinh

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận