Công tác phòng chống cháy nổ tại các đền, chùa, khu vực tâm linh trong mùa lễ hội

22:00 - 04/03/2024

Xuân về là dịp người dân thường đến các di tích văn hóa tâm linh như đình, đền, chùa… để tham quan, vãn cảnh, cầu mong sức khỏe và sự bình an cho gia đình, người thân. Đây là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tâm linh, tự do tín ngưỡng của người Việt Nam. Tuy nhiên, việc thắp hương, nến với số lượng lớn, không thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, chưa chấp hành nghiêm các quy định phòng chống cháy nổ tại các khu vực tâm linh có thể tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Thanh Hóa có 1500 di tích lịch sử văn hóa với hơn 300 lễ hội được tổ chức hàng năm. Các lễ hội đầu xuân trên địa bàn tỉnh thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tới tham dự, chiêm bái. Người dân tập trung đông tại đền, chùa, sử dụng nhiều vật dụng dễ cháy như vàng mã, nhang, đèn... Hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện nhiều nơi chưa bảo đảm chất lượng và không được kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, một số đình, chùa được xây dựng từ những vật liệu gỗ, kèm theo nhiều đồ trang trí, thờ tự được làm bằng vải, bằng giấy… Đây đều là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại những khu di tích tâm linh.

Công tác phòng chống cháy nổ tại các đền, chùa, khu vực tâm linh trong mùa lễ hội- Ảnh 1.

Để bảo đảm cho công tác phòng cháy chữa cháy tại các đền, chùa, khu vực tâm linh, các Ban Quản lý di tích thường xuyên phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy, bổ sung thêm thiết bị chữa cháy cầm tay tại các khu vực tập trung đông du khách, nơi sử dụng vàng mã, đốt hương. Bên cạnh đó, Ban quản lý đền, chùa, phối hợp với chính quyền địa phương của lực lượng tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy, xây dựng phương án, sơ đồ cứu nạn cứu hộ.

Công tác phòng chống cháy nổ tại các đền, chùa, khu vực tâm linh trong mùa lễ hội- Ảnh 2.

Đại đức Thích Khải Định, Trụ trì chùa Bụt, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Đại đức Thích Khải Định, Trụ trì chùa Bụt, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chùa trang bị các bình cứu hỏa, tuyên truyền cho du khách khi đến chiêm bái không thắp hương trong các cung, tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn phòng chống cháy nổ".

Đối với các du khách tới tham quan, chiêm bái, các Ban quản lý đã đặt biển báo, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ nhằm thường xuyên nhắc nhở, nâng cao ý thức người dân về phòng cháy chữa cháy, hạn chế đốt vàng mã, thắp hương đúng nơi quy định…

Công tác phòng chống cháy nổ tại các đền, chùa, khu vực tâm linh trong mùa lễ hội- Ảnh 3.

Sư cô Thích Đàm Ngoan, Trụ trì chùa Hồi Long, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Sư cô Thích Đàm Ngoan, Trụ trì chùa Hồi Long, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Ban quản lý chùa thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nhắc nhở bà con không thắp hương trong di tích. Mấy năm gần đây chùa Hồi Long làm rất tốt, không để bà con thắp hương trong đền"

Có thể nói công tác phòng cháy chữa cháy tại những cơ sở thờ tự, nơi diễn ra các hoạt động lễ hội không chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng, của ban quản lý cơ sở mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân khi đến vãn cảnh, hành hương, chiêm bái. 

Công tác phòng chống cháy nổ tại các đền, chùa, khu vực tâm linh trong mùa lễ hội- Ảnh 4.

Do đó, mỗi người cần tự nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định của chùa, nhà đền, hạn chế thắp hương, đốt vàng mã những nơi đông người để việc du xuân trong những ngày đầu năm được an toàn tuyệt đối.

Nguồn: Hộp thư truyền hình 04/03/2024