Doanh nghiệp chế biến gỗ nỗ lực tìm kiếm thị trường

21:31 - 05/04/2024

Cùng thời điểm này năm 2023, thị trường trầm lắng nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến gỗ gặp rất nhiều khó khăn do không ký kết được đơn hàng. Tuy nhiên, bước sang năm 2024 thị trường này đã có nhiều khởi sắc, đây là tín hiệu đáng mừng để ngành chế biến gỗ Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu đề ra.

Năm 2023, việc sản xuất của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tập đoàn Đại Phát – huyện Lang Chánh gặp rất nhiều khó khăn do đối mặt với giá nguyên liệu, vận chuyển tăng, nhu cầu thị trường giảm sút… Để có thể ổn định sản xuất kinh doanh, công ty đã chủ động tìm hiểu nhu cầu khách hàng, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất viên nén gỗ và từ tháng 10/2023 đến nay, việc sản xuất của công ty đã nhộn nhịp trở lại do đã ký kết được đơn hàng viên nén gỗ với doanh nghiệp Nhật Bản. Hiện, nhà máy đang vận hành công suất 10 nghìn tấn/ngày để đảm bảo tiến độ đơn hàng xuất khẩu mà đối tác yêu cầu.

Doanh nghiệp chế biến gỗ nỗ lực tìm kiếm thị trường - Ảnh 1.

Doanh nghiệp chế biến gỗ nỗ lực tìm kiếm thị trường - Ảnh 2.

Ông Phạm Tiến Nam, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tập đoàn Đại Phát, tỉnh Thanh Hóa

Ông Phạm Tiến Nam, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tập đoàn Đại Phát, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đơn hàng xuất khẩu đi Nhật họ yêu cầu rất khắt khe nên chúng tôi phải đầu tư máy móc, đào tạo con người. Xuất khẩu chính ngạch đơn hàng sẽ thuận lợi nhiều và giá trị cao".

Với công ty TNHH Ngô Huy Dũng – huyện Như Xuân, trước đây công ty chuyên sản xuất ván tấm cho thị trường nội địa, tuy nhiên thời gian qua do khó khăn về thị trường tiêu thụ do ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn, công ty đã chuyển hướng, tập trung sản xuất dăm gỗ. Với sản phầm này, đơn vị đã ký kết được đơn hàng XK với Trung Quốc đảm bảo sản xuất ổn định đến hết năm 2024; đồng thời tham gia vào chuỗi dây chuyền sản xuất tấm ván đi Mỹ và Singapo. Hiện, công ty đang xây dựng thêm nhà máy sản xuất tại xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân để đảm bảo đơn hàng đã ký kết.

Doanh nghiệp chế biến gỗ nỗ lực tìm kiếm thị trường - Ảnh 3.

Ông Bùi Chí Công, Công ty TNHH Ngô Huy Dũng cho biết thêm: "Năm 2024, hầu như các đơn hàng đã được ký, riêng ván bóc đang còn khó khăn do phụ thuộc vào sự phục hồi của ngành xây dựng và bất động sản".

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm từ tre, luồng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung đang dần khẳng định được vị thế đối với bạn hàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thời gian qua, đơn vị này cũng chịu ảnh hưởng từ việc sụt giảm đơn hàng. Trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp ngành gỗ, để có thể kéo được đơn hàng, công ty đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống máy móc chế biến nội thất, đồ gia dụng từ tre, luồng. Dây chuyền này có máy cắt luồng, chẻ luồng, vót nan thô, bào nan tinh, lăn keo, ép, đến hệ thống sấy, hấp, xử lý chống mối mọt. Thành phẩm cuối của dây chuyền là thớt tre, bàn ghế, mặt bàn, khay, hộp, sàn tre... Có được những sản phẩm chiến lược, công ty đã nỗ lực tìm đầu ra, với nhiều hình thức từ bán hàng trực tiếp đến online, tham gia sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sen Đỏ... Cùng với đó, công ty luôn tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Thông qua việc tích cực tìm kiếm thị trường, cùng với các sản phẩm có tính ứng dụng cao, thiết kế bắt mắt, sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina đã và đang chinh phục được thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Hiện nay, các sản phẩm tre, luồng đã giới thiệu trên kệ hàng của các sàn thương mại điện tử quốc tế Amazon, Alibaba.

Doanh nghiệp chế biến gỗ nỗ lực tìm kiếm thị trường - Ảnh 4.

Doanh nghiệp chế biến gỗ nỗ lực tìm kiếm thị trường - Ảnh 5.

Bà Hoàng Thị Luật, Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina

Bà Hoàng Thị Luật, Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina chia sẻ: "Các sản phẩm OCOP được thị trường trong nước và ngoài nước ưa chuộng, bởi tính đặc thù của nó là mẫu mã đẹp và tính ứng dụng cao. Định hướng của nhà máy đầu tư thêm máy móc hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng, đáp ứng nhu cầu hàng ngày trong cuộc sống".

Qua số liệu rà soát, thống kê, hiện nay Thanh Hóa có hơn 200 cơ sở chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Để các doanh nghiệp ngành gỗ giữ vừng và phát triển thị trường trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đang định hướng cho các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản cần theo dõi sát diễn biến thị trường để đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện các yêu cầu pháp lý nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh liên quan tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm kiếm, mở rộng thị trường. Cùng với đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh cũng đang nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, giảm giá thành để duy trì các thị trường khách hàng truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc. Tập trung chuẩn hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất xanh để khai thác thêm đơn hàng từ các thị trường mới như khu vực châu Á, Trung Đông.

Doanh nghiệp chế biến gỗ nỗ lực tìm kiếm thị trường - Ảnh 6.

Doanh nghiệp chế biến gỗ nỗ lực tìm kiếm thị trường - Ảnh 7.

Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Thanh Hoá

Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Hiện tại ở Thanh Hoá có hơn 200 cơ sở chế biến gỗ, cái quan trọng nhất bây giờ là chúng ta phải xây dụng được chuỗi giá trị, bao gồm liên kết những cơ sở chế biến gỗ hiện có và xây dựng những đầu mối chế biến gỗ lớn, đặc biệt đơn hàng ngành gỗ tinh chế, tủ bếp, trang trí, nội thất, ván ép để phục vụ xuất khẩu, từ đó mới có thể mang lại giá trị tối đa cho ngành gỗ ở Thanh Hoá".

Theo số liệu thống kê của Sở Công thương Thanh Hóa, trong quý 1 năm 2024, xuất khẩu tiểu ngạch và các doanh nghiệp ngoài tỉnh ước đạt 13,1 triệu USD tăng 23,4% so với cùng kỳ và bằng 21,9% kế hoạch. Trong đó, xuất khẩu dăm gỗ đạt 131 nghìn m3 tăng 76,8% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy dấu hiệu phục hồi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, những khó khăn của ngành gỗ tiếp tục kéo dài trong cả năm 2024 do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm và nhiều quốc gia đang thắt chặt phòng vệ thương mại để bảo hộ sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước. Do đó, các doanh nghiệp ngành gỗ Thanh Hoá cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, để đưa ra các chiến lược kinh doanh phù hợp trong từng thời điểm.

Nguồn: Chuyên mục Thông tin đối ngoại 04/04/2024