Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Ngày 9/2, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị để cho ý kiến vào Đề án Phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện các Ban của Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh.

Dự thảo Đề án Phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do đại diện Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình bày tại Hội nghị gồm 4 phần, gồm: sự cần thiết, căn cứ và phạm vi xây dựng Đề án; thực trạng phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa giai đoanh 2011 - 2021; quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phần thứ tư là Kết luận và đề xuất, kiến nghị. Đề án nêu lên 3 quan điểm, cùng với mục tiêu tổng quát là: Ngành thủy sản của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng quy mô lớn, hiện đại, bền vững và gắn với chế biến; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi hợp lý để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; bảo vệ môi trường sinh thái và phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, từng bước nâng cao đời sống ngư dân; gắn phát triển thủy sản với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Một số mục tiêu cụ thể quan trọng là: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ngành thủy sản bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 đạt 6,3% trở lên, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 5,4% trở lên; giá trị sản xuất đến năm 2025 ước đạt 8.250 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 10.750 tỷ đồng; tổng sản lượng thủy sản đến năm 2025 ước đạt 210.500 tấn, đến năm 2030 ước đạt 235.000 tấn; tổng số tàu cá khai thác vùng khơi đạt 1.350 chiếc năm 2025 và 1.530 chiếc năm 2030; diện tích nuôi trồng thủy sản vùng nước mặn và nước lợ duy trì 5.100 ha. Đặc biệt, đề án xác định mục tiêu 100% số tàu đánh cá có chiều dài từ 15 mét trở lên tham gia các tổ đội nghề nghiệp trên biển, gắn với lực lượng dân quân biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng ngành thủy sản Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ phát triển, giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đề án nêu lên 8 nhiệm vụ, gồm: Khai thác thủy sản; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Nuôi trồng thủy sản ven biển; chế biến và thị trường tiêu thụ thủy sản dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến ngư; phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền; nâng cao năng lực các cơ quan, đơn vị quản lý thủy sản.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên phát biểu tại hội nghị
Cùng với đó đề ra 8 giải pháp gồm: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò các Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân và doanh nghiệp; xác định ngư dân là chủ thể trong phát triển thuỷ sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo; giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về tổ chức sản xuất; giải pháp khoa học công nghệ; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải pháp về chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản; giải pháp về phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; giải pháp về cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị
Cho ý kiến vào Đề án, các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy đều thống nhất cao về sự cần thiết xây dựng, ban hành đề án Phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa; đồng thời đề nghị bổ sung một số mệnh đề trong tiêu đề, nhằm thể hiện một cách toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án. Cùng với đó, các ý kiến cũng phân tích, làm rõ một số thông tin, số liệu về thực trạng và các mục tiêu, giải pháp trong đề án; đề nghị bổ sung thêm các giải pháp về thông tin tuyên truyền, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; đề nghị làm rõ hơn nội dung gắn phát triển thủy sản với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận tại hội nghị
Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tranh thủ tối đa sự góp ý của các cơ quan Trung ương và các nhà khoa học để xây dựng Đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tại hội nghị để tiếp tục hoàn thiện đề án, giao Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thẩm định trước khi UBND tỉnh ban hành đề án.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Việc xây dựng Đề án cần nhận thức sâu sắc về hai nhiệm vụ chiến lược, đó là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cũng như kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống. Vì vậy, tiêu đề của đề án cần bổ sung một số mệnh đề là: Đề án phát triển thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, bố cục của một số phần và nội dung bên trong đề án cũng cần nghiên cứu, sắp xếp lại cho hợp lý, tránh chồng chéo, trùng lặp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự và Bộ đội biên phòng tỉnh để làm rõ về vấn đề gắn chặt giữa phát triển thủy sản với bảo vệ chủ quyền biển đảo, vì trong dự thảo phần phát triển thủy sản được đề cập khá đậm nét, trong khi nội dung gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo chưa thể hiện rõ nét. Về tổ chức thực hiện đề án, cần phải xác định rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là ngư dân vùng biển nhận thức sâu sắc về chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế biển, pháp luật trong nước và quốc tế liên quan đến hoạt động khai thác trên biển và ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong đó, cần phải xác định ngư dân là chủ thể; các tổ cộng đồng, nghiệp đoàn, hợp tác xã hoạt động thủy sản là nòng cốt trong phát triển thủy sản và bảo vệ chủ quyền trên biển. Đề án cũng cần bổ sung giải pháp về công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển thủy sản; cơ chế chính sách nhằm phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần, đô thị nghề cá ven biển.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến vào Dự thảo kế hoạch hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện kết luận số 36 ngày 26/3/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; báo cáo tình hình hoàn thành hồ sơ, thủ tục cho thuê đất của các dự án đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương gia hạn tại Kết luận số 679 ngày 3/12/2021; tờ trình về thành lập Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn; Dự thảo báo cáo tổng kết và kế hoạch tổ chức hội nghị cấp tỉnh tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI "về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới".