Hội nghị giao ban tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Sáng ngày 01/6, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; tình hình thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thi, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thị, thành phố.

Tính đến ngày 29/5, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh là hơn 3.700 tỷ đồng, bằng 28,4% kế hoạch giao chi tiết. Tỷ lệ này tuy thấp hơn 5,8% so với cùng kỳ, nhưng cao hơn 7,6% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước, cao hơn 12,8% so với thời điểm diễn ra hội nghị giao ban toàn tỉnh về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 vào tháng 3 vừa qua. Đây là kết quả của việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Hội nghị giao ban tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023, trong 5 tháng đầu năm, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 18 văn bản, tổ chức 1 hội nghị giao ban toàn tỉnh; quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, các địa phương tập trung thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của đơn vị, địa phương. Đặc biệt trong tháng 5/2023, 5 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh do các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng, đã làm việc và đi kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án của các địa phương, đơn vị; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 52 chủ đầu tư đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh, tăng 9 chủ đầu tư so với thời điểm đầu tháng 3/2023; trong đó có 23 chủ đầu tư đã giải ngân đạt 100% kế hoạch, 43 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch, tăng 18 dự án so với thời điểm tháng 3/2023.

Hội nghị giao ban tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 - Ảnh 3.

Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như: tiến độ giải ngân của các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA tiếp tục là điểm nghẽn, mới chỉ giải ngân được 11,7%, làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của cả tỉnh. Nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất, giá vật liệu tăng cao.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức. Đến nay, còn 61 dự án chưa được quyết định đầu tư. Một số dự án sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, khi tiến hành thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt điều chỉnh dự án lại phát sinh một số nội dung không phù hợp, phải tiếp tục trình điều chỉnh lại, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Tinh thần, trách nhiệm của các nhà thầu trong việc tổ chức thi công, hoàn ứng vốn còn thấp, dẫn đến các dự án chậm tiến độ.

Hội nghị giao ban tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 - Ảnh 4.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thanh Hoá đang cao hơn 7,6% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước là một tín hiệu đáng mừng. Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã giao vốn và đang tập trung thực hiện. Ba Chương trình mục tiêu quốc gia với khối lượng công việc nhiều, số lượng dự án lớn, song đã hoàn tất các thủ tục để giao vốn. Công tác giải phóng mặt bằng có nhiều tiến bộ so với cùng kỳ…Đây là nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, các địa phương, đơn vị trong bối cảnh tình hình chung đang có nhiều khó khăn, thách thức, tác động không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng đây mới chỉ là bước đầu. Việc giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra nhưng chậm được khắc phục, như: công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện của một số sở ngành, địa phương có lúc, có nơi chưa sâu sát, quyết liệt; công tác phối hợp giữa các sở, giữa các sở với các địa phương có lúc chưa chặt chẽ; nhiều vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng chậm được tháo gỡ; công tác chuẩn bị đầu tư dự án của một số chủ đầu tư còn bộc lộ yếu kém, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án…

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu các sở ngành, địa phương, đơn vị nêu cao tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và ba chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá

Đối với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, cấp uỷ, chính quyền các địa phương phải tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, hoàn thành 100% việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá

Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia, các sở, ngành, địa phương phải tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư để giao vốn sớm. Sở Tài nguyên Môi trường và các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch, nhất là đối với những huyện đang có tỷ lệ giải phóng mặt bằng dưới 20%; đồng thời khẩn trương hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023; Ban Thường vụ các huyện, thị xã, thành phố phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với vấn đề này. Các sở phải tăng cường hướng dẫn cho các địa phương lập thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ dự án. Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giá vật liệu xây dựng; phối hợp cùng Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh tăng nguồn cung vật liệu, phục vụ nhu cầu thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: các sở ngành, địa phương phải xác định giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức; nhưng với sự quyết tâm trong lãnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện, các vướng mắc sẽ được tháo gỡ, để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV