Mùa quýt hoi chín

09:41 - 26/11/2023

Đến với các xã vùng cao của huyện Bá Thước vào mùa này, du khách sẽ được ngắm nhìn những đồi quýt hoi chín vàng trĩu quả, cùng không khí lao động sôi nổi của bà con khi bước vào mùa thu hoạch. Từ một loài cây mọc hoang dã tự nhiên và bị quên lãng trong một thời gian dài, đến nay cây quýt hoi, hay còn gọi là quýt hôi đã được phục tráng, mở rộng diện tích, gắn với chế biến và xây dựng sản phẩm OCOP, đem lại giá trị thu nhập đáng kể cho người dân địa phương và làm phong phú thêm những sản vật bản địa của vùng đất này.

\

Những ngày này, các hộ dân ở xã Thành Sơn, huyện Bá Thước đang tập trung thu hoạch quýt hoi. Khác với mọi năm, năm nay, bên cạnh những người dân bản địa, trên đồi quýt còn có thêm nhiều du khách đang chụp ảnh checkin và trực tiếp tham gia hái quýt cùng bà con. 

Mùa quýt hoi chín- Ảnh 1.

Nhận ra vẻ đẹp của đồi quýt chín, một số hộ dân ở xã Thành Sơn đã kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn, mở dịch vụ để du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Mùa quýt hoi chín- Ảnh 2.

Chị Lâm Hương Thảo, du khách tỉnh Nam Định

Chị Lâm Hương Thảo, du khách tỉnh Nam Định cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi cùng gia đình đến Thành Sơn. Chúng tôi được tham quan và trực tiếp hát quýt tận vườn. Các bạn nhỏ rất vui và hào hứng khi có được những trải nghiệm tại đây."

Trước đây, cây quýt hoi mọc tự phát và phân tán trên các triền đồi, giá trị kinh tế không cao. Từ năm 2018, với sự hỗ trợ của chính quyền và các ngành chức năng, bà con bắt đầu thực hiện đề án "Phục tráng và phát triển giống quýt hôi trên địa bàn huyện Bá Thước". Đến nay, địa bàn huyện đã có khoảng 60 ha quýt hoi, trồng tập trung tại các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao, Cổ Lũng, Lũng Niêm. 

Mùa quýt hoi chín- Ảnh 3.
Mùa quýt hoi chín- Ảnh 4.

Cùng với đó, một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư chế biến quýt hoi thành các sản phẩm như trà, siro, các loại enzyme tẩy rửa...giúp ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm. 

Mùa quýt hoi chín- Ảnh 5.
Mùa quýt hoi chín- Ảnh 6.

Mỗi năm, 1 ha quýt thường cho sản lượng khoảng 6 tấn, giá trị khoảng 90 triệu đồng. Năm nay, với việc mở thêm dịch vụ trải nghiệm, giá trị của những đồi quýt lại càng tăng lên. Mùa thu hoạch quýt hoi từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau.

Mùa quýt hoi chín- Ảnh 7.

Ông Hà Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá

Ông Hà Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá cho biết, những năm gần đây xã định hướng phát triển quýt hoi. Các hộ trồng quýt hằng năm có thống kê lại tổng diện tích mà bà con muốn trồng, lập danh sách lên để xã kết hợp với Viện nghiên cứu cung cấp giống cho bà con Nhân dân. Bên cạnh đó, xã kết hợp cùng các doanh nghiệp để tiêu thụ quýt hoi.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025, huyện Bá Thước đặt mục tiêu mở rộng diện tích lên 100 ha nhằm bảo tồn nguồn gen, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào việc chọn tạo và sản xuất giống cây đạt chất lượng và đưa cây quýt vào phát triển trong các hộ gia đình, góp phần giúp người dân nơi đây có thu nhập ổn định.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV