Như Xuân nâng cao chất lượng giáo dục vùng 6 Thanh

22:33 - 14/12/2023

Do điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nên chất lượng giáo dục vùng “6 Thanh” gồm các xã Thanh Xuân, Thanh Quân, Thanh Phong, Thanh Hòa,Thanh Lâm và xã Thanh Sơn thấp hẳn so với nhiều trường khác trong huyện. Trước sự chênh lệch ngày một lớn về chất lượng giáo dục giữa các khu vực, năm 2021 huyện Như Xuân đã ra Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện Như Xuân, giai đoạn 2021- 2025. Sau gần 3 năm thực hiện Mghị quyết 04, đến nay chất lượng giáo dục tại vùng 6 Thanh đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của ngành giáo dục cũng như sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, từ năm 2021 đến nay, hoạt động giáo dục trong toàn huyện nói chung, vùng "6 Thanh" nói riêng đã có sự chuyển biến đáng kể. Cơ sở vật chất các trường học được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tất cả các lớp đều được trang bị đồ dùng dạy học phục vụ cho đổi mới phương pháp giảng dạy.

Năm học 2023-2024, thầy và trò của trường Tiểu Học Thanh Lâm như vỡ òa trong niềm vui khi ngôi trường mới khang trang, đầy đủ tiện nghi đã được hoàn thiện thay thế cho những dãy nhà cũ xuống cấp lâu năm.Vậy là những buổi học ghép lớp, những buổi học mà bàn, ghế ẩm dột ngày mưa đã lùi vào trong quá khứ, điểm trường lẻ cách xa trường 5 km cũng đã được sáp nhập. Những khó khăn đó, những thiếu thốn đó giờ chỉ còn nằm trong ký ức của thầy và trò mà thôi.

Như Xuân nâng cao chất lượng giáo dục vùng 6 Thanh- Ảnh 1.

Cô giáo Hà Thị Quế, giáo viên trường Tiểu học Thanh Lâm, huyện Như Xuân cho biết: "Ngôi trường này khi mà lên tôi sốc rất là nhiều, tường rào bị đổ, đàn gia súc vào tràn lan nên chưa được khang trang sạch đẹp lắm. Ở trường trước đây đường trường trạm, mưa ngập lụt, các làng xóm đạp tràn xa, các con nghi học rất nhiều. Để các em đến trường, các thầy cô đã đến từng nhà động viên để các em đi học".

Thanh Lâm là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Như Xuân, vì vậy cơ sở vật chất của trường Tiểu học Thanh Lâm cũng hết sức khó khăn. Qua 3 năm triển khai Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Như Xuân, nhà trường đã được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng chính quyền và nhân dân trong xã, nhờ đó cơ sở vật chất đã cải thiện rất nhiều. Với sự đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, nhà trường đã có đủ lớp đảm bảo cho các em học sinh học tập. Mỗi lớp một phòng, không phải học hai ca, không phải học ghép lớp như những năm trước đây nữa. Các thiết bị cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học tương đối đảm bảo. Nhờ đó, việc nâng cao chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn những năm gần đây nâng cao rõ nét. Mỗi năm trường có 10-15 em học sinh đạt học sinh năng khiếu cấp huyện. Đặc biệt, năm học 2022-2023 nhà trường có học sinh đạt giải khuyến khích cấp tỉnh.

Như Xuân nâng cao chất lượng giáo dục vùng 6 Thanh- Ảnh 2.

Như Xuân nâng cao chất lượng giáo dục vùng 6 Thanh- Ảnh 3.

Bà Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Lâm, huyện Như Xuân

Bà Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Lâm, huyện Như Xuân cho biết thêm: "Nghị quyết 04 của huyện ủy ngày 8/3 năm 2021 rất là hiệu quả. Đó là sự điều động luân chuyển các thầy cô giáo từ cán bộ quản lý đến sự điều động luân chuyển các thầy cô giáo lên vùng 6 Thanh lên công tác rất là khả thi, hiệu quả. Đội ngũ các thầy cô rất là tâm huyết, nhiệt tình. Còn cơ sở vật chất được các cấp quan tâm đặc biệt, đặc iệt trong vùng khó khăn 6 Thanh như Thanh Lâm được lãnh đạo các cấp quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Đến nay đã có cơ ngơi khang trang tương đối đầy đủ về điều kiện, chất lượng giáo dục đại trà cũng như mũi nhọn được nâng cao hơn những năm trước đây".

Không được đầu tư toàn diện đồng bộ như trường Tiểu học Thanh Lâm, tuy nhiên trường Tiểu học và THCS Thanh Hòa huyện Như Xuân cũng đã có những tín hiệu tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại nhà trường.

Như Xuân nâng cao chất lượng giáo dục vùng 6 Thanh- Ảnh 4.

Như Xuân nâng cao chất lượng giáo dục vùng 6 Thanh- Ảnh 5.

Thầy giáo Nguyễn Văn Phúc, giáo viên trường Tiểu học, THCS Thanh Hòa, huyện Như Xuân

Thầy giáo Nguyễn Văn Phúc, giáo viên trường Tiểu học, THCS Thanh Hòa, huyện Như Xuân chia sẻ: "Hai ba năm nay chúng tôi được nhà nước cấp ti vi, thiết bị dạy học. Hỗ trợ cũng tương đối đầy đủ để chúng tôi lên lớp có đầy đủ trang thiết bị để mà truyền thụ kiến thức cho các em dạy một bài học mà làm sao nó tốt nhất, hiệu quả nhất".

Được thành lập từ năm 2001, dù đã xuống cấp nhiều thế nhưng trường Tiểu học và THCS Thanh Hòa là mái nhà chung của 30 cán bộ giáo viên và hơn 400 em học sinh. Khác với nhiều trường học trong huyện, nhà trường có một dãy nhà nội trú dành cho các em nhà xa trong xã và một khu nhỏ cho dành cho giáo viên ở xa trường. Do có em học sinh nhà cách trường 27km nên nhà trường có tới 29 em học sinh học nội trú. Vì vậy, bên cạnh công tác giảng dạy, các thầy cô còn là người hướng dẫn, dạy dỗ các em cách ăn uống, sinh hoạt hàng ngày để các em vượt khó vươn lên trong học tập. Để triển khai hiệu quả nghị quyết 04 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, nhà trường đã xây dựng kế hoạch "Tiếng kẻng hiếu học" để thu hút học sinh đến trường. Nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nhà vận động các gia đình quan tâm cho con em đi học. Các buổi tối thì các thầy cô giáo cùng với các đồng chí lãnh đạo xã, hội khuyến học, công an xã vào bản vận động nhân dân cho các em đến trường. Đặc biệt, nhà trường đã phát động các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, tăng sự đoàn kết giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh, giữa giáo viên với phụ huynh để quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục. Nhờ đó, dù còn muôn vàn khó khăn vất vả, ngày 2 buổi đều đặn, các thầy giáo, cô giáo trường Tiểu học và THCS Thanh Hòa vẫn tận tâm bám trường, bám lớp để đưa con chữ lại gần hơn với các trẻ em nơi đây.

Như Xuân nâng cao chất lượng giáo dục vùng 6 Thanh- Ảnh 6.

Cô giáo Đới Thị Duyên, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Thanh Hòa, huyện Như Xuân cho biết: "Đến với những trường vùng cao của 6 xã miền núi. Khó khăn thứ nhất là đường đi khổ. Thứ 2 là các em đều là con em của các trường thiểu số, các em học tiếp thu chậm, đặc biệt là ở đây các em có điều kiện đặc biệt khó khăn nên ở đây hầu hết các bố mẹ đi làm ăn xa, con cái gửi cho ông bà. Anh chị em đều ở vùng dưới lên đây công tác, ở lại thì cơ sở vật chất ở đây rất khó khăn vì đây làm lâu rồi, nhiều chỗ xuống cấp nên anh chị em cố gắng khắc phục để làm sao đó cùng với nhà trường để đưa chất lượng giáo dục nhà trường ngày càng đi lên".

Với việc triển đồng bộ nhiều giải pháp, chất lượng giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực, xong những khó khăn trước mắt ở trường Tiểu học và THCS Thanh Hòa vẫn còn. Điều này khiến ban giám hiệu nhà trường vô cùng trăn trở.

Như Xuân nâng cao chất lượng giáo dục vùng 6 Thanh- Ảnh 7.

Bà Lô Thị Lưu, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Thanh Hòa, huyện Như Xuân

Bà Lô Thị Lưu, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Thanh Hòa, huyện Như Xuân cho biết thêm: "Trong năm học vừa rồi nhà trường cũng được nâng lên về giáo dục mũi nhọn cũng như giáo dục đại trà Trong thời gian sắp tới chúng tôi rất mong muốn được các đồng chí lãnh đạo cấp trên ngành giáo dục tiếp tục tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học cũng như nơi ăn nơi ở của học sinh... đáp ứng điều kiện dạy học theo chương trình 2018, thứ 3 là về đội ngũ sắp xếp để có những giáo viên tâm huyết dạy ở nơi đây để nâng cao chất lượng nơi vùng sâu vùng xa này".

Trong 3 năm học gần đây, 6 xã nghèo nhất của huyện đã chung tay xây dựng được 5 trường chuẩn quốc gia, tăng số trường đạt chuẩn quốc gia của khu vực "6 Thanh" lên 7/17 trường. Qua đó góp phần nâng số trường đạt chuẩn quốc gia trong toàn huyện lên 34 đơn vị, đạt tỷ lệ 66,67%. Với phương châm tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành Giáo dục và Đào tạo Như Xuân đã chỉ đạo các trường thuộc vùng "6 Thanh" tổ chức tốt các chuyên đề, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, kém, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chuyên môn... Tỷ lệ học sinh vùng 6 Thanh trong 3 năm liên tiếp vừa qua tốt nghiệp THPT luôn duy trì cao hơn so với mặt bằng chung của Tỉnh... Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng đến nay chất lượng giáo dục của vùng 6 Thanh vẫn còn sự chênh lệch so với mặt bằng chung của toàn huyện. Đây là những vấn đề đã và đang đặt ra, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, phòng Giáo dục và đào tạo Như Xuân phải tiếp tục tập trung giải quyết; nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng.

Như Xuân nâng cao chất lượng giáo dục vùng 6 Thanh- Ảnh 8.

Như Xuân nâng cao chất lượng giáo dục vùng 6 Thanh- Ảnh 9.

Ông Nguyễn Thế Lực, Phó trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện Như Xuân

Ông Nguyễn Thế Lực, Phó trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện Như Xuân chia sẻ: "Để phát huy hiệu quả Nghị quyết 04 thì trong thời gian tới Phòng giáo dục tiếp tục phối hợp với các ban ngành cơ sở tiếp tục tuyên truyền để có sự vào cuộc của tất cả các cấp các ngành. Tiếp tục tham mưu về nguồn lực để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, đặc biệt là tiếp tục trường đạt chuẩn quốc gia vùng 6 Thanh. Bên cạnh đó chúng tôi xác định để nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững yếu tố người thầy rất quan trọng. Hiện nay chúng tôi cũng đã có những chính sách để thu hút những người dạy giỏi, dạy tốt ở vùng xuôi lên với Như Xuân lâu dài. Đặc biệt các thầy cô tăng cường công tác đào tạo để đáp ứng nhu cầu dạy học. Hằng năm chúng tôi rà soát để luân chuyển nơi thừa sang nơi thiếu. Bên cạnh giáo viên còn có chính sách luân chuyển quản lý để có khí thế mới cho những vùng khó khăn".

Có thể thấy huyện Như Xuân đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực, cụ thể để đạt được mục tiêu mà nghị quyết 04 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện đề ra. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng chính quyền, mỗi đơn vị nhà trường cần phải phát huy nội lực để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Qua đó rút ngắn khoảng cách về chất lượng giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi, góp phần cho sự nghiệp giáo dục của huyện Như Xuân ngày càng phát triển đi lên. 

Nguồn: Chuyên mục Giáo dục khuyến học ngày 14/12/2023