Quy hoạch tỉnh Thanh Hoá: định hướng không gian để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững

Thanh Hóa là tỉnh thứ 4 được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Quy hoạch tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đáp ứng được lòng mong đợi của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương. Đây là công cụ quản lý tổng hợp, giúp tỉnh có được các định hướng, chiến lược phát triển trong thời kỳ quy hoạch, đồng thời là một bước quan trọng nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với quy hoạch tỉnh Thanh Hoá, tinh thần tự lực được phát huy từ trong quá trình xây dựng. Đó là phát huy nguồn lực của địa phương để xây dựng quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu, định hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, định hướng phát triển không gian lãnh thổ, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; định hướng sử dụng đất, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hoá: định hướng không gian để 
phát triển nhanh, toàn diện và bền vững - Ảnh 2.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh đến việc phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; Tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho Nhân dân; bảo đảm sự hài hòa về lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường trong suốt quá trình phát triển. Cùng với đó, quy hoạch cũng xác định quan điểm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo vững chắc quốc phòng và an ninh; Mở rộng các quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là quy hoạch đầu tiên của tỉnh được lập theo quy định của Luật Quy hoạch. Đây cũng là quy hoạch tích hợp đầu tiên được ban hành theo phương pháp tiếp cận mới, với những nội dung hết sức quan trọng. Do đó, quá trình xây dựng quy hoạch có nhiều điểm đặc biệt, mới so với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trước đây.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hoá: định hướng không gian để 
phát triển nhanh, toàn diện và bền vững - Ảnh 4.

Mục tiêu được nêu trong Quy hoạch là phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao. Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng mới có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là bước cụ thể hoá sinh động và kịp thời nhất các nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh được phê duyệt, các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; các quy hoạch có tính chất chuyên ngành sẽ tiếp tục được rà soát, điều chỉnh hoặc lập mới để bảo đảm tính thống nhất, khoa học, bền vững, làm căn cứ để huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Quy hoạch; bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước, một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV