Thanh Hóa từng bước tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên

21:30 - 04/12/2023

Thiếu giáo viên đang là thực trạng chung của nhiều tỉnh thành trên cả nước. Điều này khiến cho ngành giáo dục và đào tạo phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Bước vào năm học 2023 – 2024, tỉnh Thanh Hóa thiếu hơn 10 nghìn giáo viên thuộc các cấp học. Ngoài nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai nhiều pháp khắc phục thiếu giáo viên, tỉnh Thanh Hóa đang đề xuất Bộ Nội vụ bổ sung biên chế, từng bước tháo gỡ khó khăn do thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh.

Toàn huyện Như Xuân hiện có 52 trường học với hơn 1.300 giáo viên. Năm học 2023-2024, Như Xuân được tuyển dụng thêm gần 40 giáo viên, tuy nhiên để đảm bảo đủ giáo viên đáp ứng được nhu cầu dạy và học theo chương trình mới, Như Xuân còn thiếu hàng nghìn giáo viên. Tiểu học và THCS là cấp thiếu nhiều giáo viên nhất; đặc biệt là các môn: Tin học, Tiếng Anh, Mỹ Thuật, Âm Nhạc.

Thanh Hóa từng bước tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên- Ảnh 1.

Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Như Xuân đã chủ động khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng các giải pháp như: Bố trí giáo viên dạy liên môn, liên cấp, liên trường; động viên giáo viên dạy tăng tiết, tăng buổi; ký hợp đồng thêm với giáo viên các môn học còn thiếu nhiều. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời. Việc thiếu giáo viên sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến việc dạy và học và chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.

Thanh Hóa từng bước tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thế Lợi, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Thế Lợi, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Như Xuân cũng như nhiều địa phương trên cả nước đang thiếu rất nhiều biên chế giáo viên, đặc biệt là từ khi triển khai chương trình giáo dục mới năm 2018. Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, tuy nhiên việc triển khai ở một huyện miền núi rất khó khăn"

Năm học 2023 – 2024, huyện Nông Cống tăng hàng trăm học sinh ở đầu cấp học so với năm học trước. Trong khi đó, những năm gần đây, Nông Cống không được tuyển dụng thêm giáo viên,nhiều giáo viên đến tuổi nghỉ chế độ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho huyện Nông Cống cũng như các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. 

Thanh Hóa từng bước tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên- Ảnh 3.

Năm học 2022 – 2023, huyện Nông Cống thiếu hơn 100 giáo viên. Huyện đã thực hiện thuyên chuyển điều động giáo viên những nơi thiếu ít, sang nơi thiếu nhiều; rà soát, sắp xếp mạng lưới, đội ngũ, huy động nhân lực hiện có tham gia giảng dạy, động viên giáo viên dạy tăng tiết, tăng buổi. Năm học 2023 – 2024, huyện đã được tuyển dụng thêm một số giáo viên các môn còn thiếu. Đến nay nhiều trường học đã cơ bản đã khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên.

Thanh Hóa từng bước tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên- Ảnh 4.

Ông Đỗ Ngọc Phan, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa

Ông Đỗ Ngọc Phan, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đầu năm học 2023 – 2024 huyện Nông Cống đã được tuyển thêm biên chế, đến nay chỉ còn thiếu khoảng 60 giáo viên. Việc thiếu giáo viên cũng có ảnh hưởng đến công tác triển khai nhiệm vụ, chất lượng dạy và học do vậy cũng rất mong sẽ được khắc phục trong thời gian tới".

Theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2022-2023, các môn tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc ở cấp Tiểu học và được dạy từ lớp 3. Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật là môn lựa chọn ở cấp THPT được dạy từ lớp 10, nên việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn. Hiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở Thanh Hóa còn thấp so với yêu cầu và bình quân chung cả nước. Học tiếng Anh trên địa bàn 11 huyện miền núi phát triển chậm do không tuyển được giáo viên, thiếu nhân lực, trang thiết bị. Việc dạy và học ngoại ngữ chỉ tập trung cho việc thi đỗ môn học; người dạy, người học ít thực hành, trau dồi để đạt được kỹ năng sử dụng ngoại ngữ như một công cụ giao tiếp, làm việc. Hiện tỉnh Thanh Hóa vẫn còn thiếu khoảng 10 nghìn giáo viên để đáp ứng công tác giảng dạy theo chương trình mới.

Thanh Hóa từng bước tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên- Ảnh 5.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn các huyện thị, thành phố kịp thời tuyển dụng giáo viên hết chỉ tiêu biên chế được giao, trong đó ưu tiên tuyển dụng trước số giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu nhiều, như: Giáo viên Văn hóa, Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật (cấp tiểu học); giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật (cấp THCS); giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật (THPT). UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, trình Chính phủ giao bổ sung 16.634 biên chế cho tỉnh Thanh Hóa, trong đó: Mầm non: 4.936 biên chế; Tiểu học 4.703 biên chế; Trung học cơ sở: 6.131 biên chế; Trung học phổ thông: 864 biên chế. Mong rằng, đề xuất của tỉnh Thanh hóa sẽ sớm được phê duyệt, giải quyết triệt để tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay.

Thanh Hóa từng bước tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên- Ảnh 6.

Nguồn: Hộp thư truyền hình 04/12/2023