Thực hiện các nội dung bổ sung của tiêu chí Giáo dục trong xây dựng nông thôn mới

08:54 - 15/04/2023

Theo quy định của bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, 2 tiêu chí số 5 và 14 về giáo dục và đào tạo đã được bổ sung một số nội dung mới, yêu cầu cao hơn cả về số lượng và chất lượng. Do vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã và đang triển khai tích cực, đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần cùng các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới.

Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 bổ sung tiêu chí giáo dục và đào tạo một số nội dung mới như: số lượng cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia đối với cấp xã; mức độ đạt chuẩn về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; đánh giá Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã; cấp độ đạt kiểm định chất lượng giáo dục Trung tâm giáo dục nghề nghiệp đối với huyện Nông thôn mới. Cụ thể, xã đạt tiêu chí Giáo dục và đào tạo khi 100% số trường học đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Các trường học phải đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiểu học mức độ 3, Trung học cơ sở mức độ 3 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 theo quy định. Trên cơ sở đó, các địa phương đang hỗ trợ, hướng dẫn các nhà trường thực hiện theo quy định.

Thực hiện các nội dung bổ sung của tiêu chí Giáo dục trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Cô giáo Lê Thị Lài - Hiệu trưởng trường mầm non Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Cô giáo Lê Thị Lài - Hiệu trưởng trường mầm non Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có tiêu chí giáo dục, được lãnh đạo cấp trên, phòng giáo dục và địa phương lựa chọn trường mầm non Xuân Sinh xây dựng đạt chuẩn mức độ 2. Địa phương đã đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường, các phòng học, chức năng, các hạng mục xuống cấp, nhà trường chỉ đạo chuyên môn thực hiện tốt các nhiệm vụ hàng ngày để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ".

Với vai trò, nhiệm vụ của ngành phụ trách tiêu chí, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và chỉ đạo các địa phương trong công tác quy hoạch và tổ chức sắp xếp mạng lưới trường, lớp phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, phát triển các nhóm trẻ, trường mầm non tư thục, duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Các địa phương cũng đã rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học. Mặt khác, ưu tiên dành nguồn lực, hỗ trợ các xã trong lộ trình về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 - 2; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo quy định của bộ tiêu chí.

Thực hiện các nội dung bổ sung của tiêu chí Giáo dục trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Ông  Nguyễn Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Huyện Thọ Xuân phấn đấu trước năm 2024 sẽ hoàn thành nông thôn mới nâng cao, do đó các tiêu chí kèm theo trong giáo dục phải tích cực đẩy mạnh để đảm bảo tiến độ chung. Đối với các trường xây dựng chẩn quốc gia mức độ 2, huyện có cơ chế hỗ trợ 200 triệu/ trường để bổ sung cơ sở vật chất. Ngoài ra bằng các nguồn, chương trình khác hỗ trợ… tích cực phối hợp với các đơn vị xã hội hóa".

Thực hiện các nội dung bổ sung của tiêu chí Giáo dục trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, kể cả nguồn xã hội hóa, để xây dựng  cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn Quốc gia. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có gần 85% số xã đạt tiêu chí giáo dục và đào tạo trong xây dựng Nông thôn mới.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 15/4