Thanh Hóa phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch
Thanh Hóa là tỉnh có tài nguyên di sản văn hóa phong phú và độc đáo với nhiều phong tục, tập quán, nghệ thuật kiến trúc, lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc... của các dân tộc anh em cùng sinh sống. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đã và đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo ngành văn hóa thể thao và lịch, các địa phương thực hiện. Từ đó, giá trị của di sản ngày càng được nâng lên, phục vụ tốt cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời với số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn, gồm hơn 1535 di tích di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Trong đó, có 1 di sản thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia và 711 di tích cấp tỉnh. Ngoài văn hóa vật thể, Thanh Hóa cũng có hàng trăm lễ hội, lễ tục, trò diễn dân gian ở khắp các vùng miền được lưu giữ, trong đó 15 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia.
Với nền tảng vốn quý đó, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn xem văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững. Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình cụ thể để đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 82 ngày 30/5/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2025. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Kế hoạch số 169 ngày 29/9/2017 về việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mở ra hướng phát triển cho ngành du lịch. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch văn hóa tâm linh; liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa với các vùng, miền, địa phương trong cả nước.
Tại Thanh Hóa, Thạch Thành là huyện có hệ thống di tích văn hóa lịch sử phong phú về số lượng và thể loại với 46 di tích và địa điểm di tích đã được kiểm kê, 16 di tích được xếp hạng. Trên cơ sở thực hiện Kết luận số 82 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo của cấp ủy về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh giai đoạn 2017-2025, huyện Thạch Thành đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn phát triển du lịch trong đó điểm nhấn là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Hang Con Moong, Chiến khu Ngọc Trạo, danh thắng đền Phố Cát…vv.. Huyện cũng duy trì tổ chức các lễ hội; phục dựng các điệu múa, làn điệu dân ca, trò chơi trò diễn, nghề truyền thống, bảo tồn trang phục dân tộc. Nhờ bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, lượng khách du lịch đến với Thạch Thành đã tăng lên qua các năm. Giai đoạn từ 2021 đến 2023, toàn huyện đã đón được trên 175 nghìn du khách, doanh thu du lịch ước đạt trên 116 tỉ đồng.
Bà Quách Thị Tươi (Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: "Thạch Thành cũng đã rất nỗ lực và đạt được nhiều mặt trong phát triển văn hóa, trong đó có 3 thành tựu nổi bật. Thứ nhất là tổ chức thành công ngày hội văn hóa thể thao và du lịch cấp huyện và cấp cơ sở, trong ngày hội này cũng góp phần quảng bá các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện Thạch Thành. Thứ 2, chúng tôi đã tổ chức công bố quy hoạch tổng thể di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt hang Con Moong. Và từ việc này sẽ có giải pháp để bảo tồn, phát huy, giá trị của di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt này, và đặc biệt là lập hồ sơ sơ bộ để đề nghị UNESCO công nhận hang Con Moong là di sản văn hóa thế giới."
Trong những năm qua, xác định bảo tồn và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, đã có 230 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được đầu tư tu bổ, tôn tạo, với tổng kinh phí thực hiện trên 150 tỷ đồng. Các khu, điểm di tích lịch sử có giá trị khai thác phục vụ du lịch được ưu tiên đầu tư. Điển hình như Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đã được đầu tư trên 104 tỷ đồng để hoàn thành phỏng dựng Chính điện Lam Kinh, Khu di tích quốc gia Lăng miếu Triệu Tường được đầu tư phục dựng mới với kinh phí trên 460 tỉ đồng, Khu Di tích lịch sử văn hóa nghè Vẹt được đầu tư 20 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo lại...
Sau hơn 12 năm được công nhận di sản văn hóa thế giới, thành Nhà Hồ đã được tỉnh Thanh Hóa quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Chỉ tính riêng trong năm 2022, tỉnh đã triển khai các dự án: tu sửa tường thành đá, xây dựng biển chỉ dẫn và giới thiệu di sản thế giới Thành Nhà Hồ; xây dựng dự án khai quật tổng thể, toàn diện khu vực thành nội di tích Thành Nhà Hồ giai đoạn 2… Ngoài ra, để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách, những năm qua Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã nghiên cứu phát triển thêm nhiều sản phẩm, không gian du lịch mới phục vụ khách tham quan. Do đó lượng du khách đến với di sản ngày càng nhiều. 10 tháng năm 2023, Di sản văn hóa thể giới thành nhà Hồ đã đón trên 200 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan.
Chị Đỗ Thị Xuân Thanh (Hướng dẫn viên Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ) nói: "Khi đã triển khai tour du lịch làng cổ và thành nội cũng như tour du lịch tâm linh xung quanh thành nội của thành nhà Hồ, du khách đến đây cảm giác đầu tiên rất là thích thú và chào đón tour này, Khi đi thăm quan tour xung quanh thành nội như vậy du khách sẽ cảm nhận được đầy đủ nhất rõ nét nhất giá trị của Thành nhà Hồ cũng như cảm nhận rõ hiện trạng còn lại của tòa thành này. Rồi họ còn hứa với thuyết minh viên sẽ tiếp tục giới thiệu người khác cũng đến tham quan."
Ông Nguyễn Bá Linh (Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ)
Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa, khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh được xác định là một trong những khu du lịch trọng điểm của tỉnh, do đó nhiều năm qua tỉnh đã dành nhiều nguồn lực để tu bổ, phục dựng trên 20 công trình văn hóa lịch sử và hệ thống các công trình phụ trợ.
Ban quản lý khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã sớm ứng dụng công nghệ số vào công tác quảng bá, giới thiệu các điểm di tích, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên. Đơn vị cũng chú trọng khai thác giá trị các loại hình văn hóa phi vật thể của vùng đất Lam Sơn như lễ hội, trò chơi, trò diễn...phục vụ du khách. Với sự linh thiêng, cổ kính và hệ thống các công trình kiến trúc độc đáo, Lam Kinh đang trở thành một trong những điểm đến văn hóa, tâm linh hấp dẫn bậc nhất của xứ Thanh. Trong các năm 2021, 2022 và 10 tháng năm 2023, Lam Kinh đón được trên 652,5 nghìn lượt khách (trong đó khách quốc tế gần 1,3 nghìn lượt).
Chị Lê Thị Hằng (Du khách Hà Nội) nói: "Tôi thấy đây là điểm đến du lịch quá tuyệt vời của Thanh Hóa. Vì tôi thấy khung cảnh ở đây rất xanh sạch đẹp, diện tích rộng 300ha là quá rộng, một khu sinh thái rộng với những cây cổ thụ lớn như thế này tạo cảm giác như là rừng nguyên sinh vậy."
Ông Nguyễn Xuân Toán (Trưởng Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)
Hiện nay tỉnh đã quan tâm đầu tư lượng kinh phí rất lớn cho công tác bảo tồn, trong chiến lược xây dựng nơi đây là điểm đến của du lịch Thanh Hóa. Công tác truyền thông tuyên truyền, dịch vụ của di tích được dần hoàn thiện và phục vụ tốt hơn. Tập huấn chuyên môn nâng cao, cơ sở hạ tầng như xe điện, điểm ki ốt…được đặc biệt quan tâm đã góp phần quan trọng quảng bá di tích đến đông đảo cả nước
Ngoài văn hóa vật thể, nhiều loại hình nghệ thuật, lễ hội văn hóa đặc sắc ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng được nghiên cứu, phục dựng thành công. Các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản và dịch vụ ngày càng đa dạng. Việc đưa các di sản văn hóa phi vật thể mang đặc trưng riêng biệt, như: trò Xuân Phả (ở huyện Thọ Xuân), hò sông Mã (Hà Trung), trò diễn Pồn Pôông của đồng bào dân tộc Mường (Ngọc Lặc)... vào các sự kiện lớn, hay biểu diễn ngay tại các khu, điểm du lịch không chỉ góp phần bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống mà còn đa dạng hóa, tăng thêm giá trị cho sản phẩm du lịch, kích thích sự tìm tòi khám phá của du khách.
Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được khai thác có hiệu quả đã trở thành nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch bền vững. Việc xác định và xây dựng thương hiệu du lịch từ di sản văn hóa đã thật sự tạo nên sự khác biệt hấp dẫn cho mảnh đất xứ Thanh "Địa linh, nhân kiệt". Từ đó, góp phần tạo nên những không gian văn hóa độc đáo, thúc đẩy việc xây dựng một xứ Thanh hài hòa, nhân văn và có bản sắc trong mắt bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.