tin ảnh

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc

Trang phục không chỉ là vật dụng thiết yếu được sử dụng hàng ngày mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo, tạo nên bản sắc đa dạng, phong phú của các dân tộc Việt Nam. Mỗi bộ trang phục ẩn chứa tinh hoa nghệ thuật, phản ánh nét đẹp trong đời sống vật chất và tinh thần, hiện thân của lịch sử hình thành và phát triển của mỗi tộc người. Trang phục của các dân tộc đã góp phần làm nên một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc.

Bá Phượng - Thanh Tùng

16/05/2024 13:20

Ở Công viên Hội An (thành phố Thanh Hóa) có một không gian độc đáo, trưng bày và giới thiệu trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Đó là "Nhà của Mén", một cái tên giản dị, mộc mạc và rất đỗi thân thương.

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 1.

"Nhà của Mén" là một phòng trưng bày nhỏ, do một nhóm người yêu văn hóa truyền thống quy tụ cùng nhau, chung niềm đam mê, sơ thích sưu tầm trang phục, hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam. Mục đích hoạt động của nhóm là sưu tầm, trưng bày, giới thiệu đến công chúng sắc phục của 54 dân tộc Việt Nam, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa từ góc nhìn trang phục truyền thống.

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 2.
Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 3.
Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 4.
Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 5.
Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 6.

Hiện "Nhà của Mén" đã sưu tầm được hàng chục bộ trang phục nam nữ, gồm trang phục các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thanh Hóa như: Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ... trang phục các dân tộc tiểu biểu khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ như: Ba Na, Ê Đê, Ja Rai, M Nông, Cơ Tu…; trang phục dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc như: Mông, Dao, Tày, Pà Thẻn, Lào… Đây là những bộ trang phục truyền thống nguyên bản, do chính đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản làng tự dệt vải, may thêu thủ công.

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 7.

Những "chủ nhân" trong "Nhà của Mén" đang tiếp tục sưu tầm bổ sung những trang phục còn thiếu, và nỗ lực tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá nét đẹp trang phục và đặc trưng văn hóa các dân tộc đến với đông đảo công chúng.

Nhà thơ Sơn Ca, Hội viên Ban Thơ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, thành viên "Nhà Của Mén" chia sẻ: "Hy vọng, sân chơi này sẽ đem đến những điều thú vị cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ ở thành phố".

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 8.

"Nhà của Mén" mở cửa đón khách tham quan vào đúng dịp nghỉ lễ 30/04 - 01/05, cũng là dịp thành phố Thanh Hóa tổ chức Tuần văn hóa Thanh Hóa - Hội An và mở cửa thường xuyên vào các ngày cuối tuần. Cùng với các gian trưng bày và hoạt động văn hóa trong Khu phiên bản phố cổ Hội An, "Nhà của Mén" đã thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân, du khách và đặc biệt là những người yêu văn hóa nghệ thuật.

Nhiều người đến với "Nhà của Mén", yêu thích không gian trưng bày nên sẵn sàng góp thêm những hiện vật quý của mình để làm phong phú bộ sưu tập ở đây. Nhà thơ Hoàng Quốc Cảnh – Nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Thanh Hóa – đã tặng cho "Nhà của Mén" bộ sưu tập tem "Cộng đồng các dân tộc Việt Nam". 

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 9.

Đây là bộ tem quý, do Ngành Bưu chính Việt Nam phát hành nhân kỷ niệm 60 năm thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945 - 2005). Bộ tem gồm 54 mẫu trang phục (nam, nữ), đã được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam là bộ tem lớn nhất từ trước tới nay. Khi đến với "Nhà của Mén", bộ tem càng trở nên có ý nghĩa với đông đảo khách tham quan.

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 10.

Nhà thơ Hoàng Quốc Cảnh, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Thanh Hóa

Nhà thơ Hoàng Quốc Cảnh, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đây là bộ tem lớn, thể hiện sự đoàn kết thống nhất của dân tộc Việt Nam cũng như mang những nét đặc trưng về văn hoá của các dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S. Bộ tem được thiết kế rất công phu, góp phần tuyên truyền bản sắc văn hoá của các dân tộc anh em trên khắp mọi miền đất nước".

Việt Nam là địa bàn cư trú và sinh sống của 54 dân tộc anh em. Trên dải đất thân thương hình chữ S, cộng đồng các dân tộc đã chung sống đoàn kết, lao động sáng tạo và làm nên một Việt Nam giàu bản sắc. Cùng với tiếng nói, chữ viết và những đặc trưng văn hóa khác, trang phục đóng vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố căn bản để nghiên cứu về Dân tộc học và Nhân học. Trên vùng đất Thanh Hóa hiện có 7 dân tộc anh em sinh sống gồm Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Khơ Mú, Thổ.

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 11.

Mường là dân tộc thiểu số đông nhất đang hiện diện ở miền núi xứ Thanh với gần 400 ngàn người. Dân tộc Mường có nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, trong đó có những nét đặc trưng trong trang phục. 

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 12.

Trang phục của phụ nữ dân tộc Mường

Phụ nữ Mường thường diện một bộ trang phục đầy đủ bao gồm: áo pắn hoặc áo chùng (tùy sự kiện), váy, yếm, mũ, khăn thắt eo, đồ trang sức và khăn đội màu xanh hoặc trắng (màu sắc lựa chọn phù hợp và đồng màu với dây thắt lưng). Màu sắc chủ đạo trong một trang phục phụ nữ dân tộc Mường là xanh, trắng và đen.


Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 13.

Nhìn chung, trang phục của dân tộc Mường không cầu kỳ về màu sắc và hoa văn, nhưng toát lên vẻ thanh thoát, sự phối kết hợp tinh tế, thể hiện nét đẹp bình dị và thanh khiết, tính thẩm mỹ của một dân tộc đã có lịch sử hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm.

Dân tộc Thái sinh sống phân tán ở nhiều vùng miền khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam, tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Bắc và miền núi phía Tây Thanh Hóa, Nghệ An. Người Thái được chia làm 2 nhóm chủ yếu là Thái Trắng và Thái Đen. Hai nhóm này có nhiều nét văn hóa giống nhau và khác nhau, thể hiện rõ trên bộ trang phục của phụ nữ. 

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 14.

Trang phục của phụ nữ dân tộc Thái

Tuy nhiên, nhìn chung, một bộ trang phục đầy đủ của phụ nữ dân tộc Thái bao gồm: Áo ngắn (xửa cỏm) hoặc áo dài (xửa chải và xửa luổng), váy (xỉn), thắt lưng (xài cóm), khăn (piêu), nón (cụp), xà cạp (pe păn, khạ), cùng với các phụ kiện trang sức như: hoa tai, vòng cổ, vòng tay và xà tích. 

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 15.
Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 16.
Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 17.

Trên cơ sở đó, các nhóm Thái Đen và Thái Trắng ở các khu vực khác nhau có sự lựa chọn, phối hợp riêng trong trang phục và phụ kiện, nhưng tựu chung lại vẫn toát lên vẻ đẹp thanh nhã nhưng không kém phần rạng rỡ của màu sắc và hoa văn.

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 18.

Nhà thơ Sơn Ca, Hội viên Ban Thơ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa

Nhà thơ Sơn Ca, Hội viên Ban Thơ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, thành viên "Nhà Của Mén" cho biết thêm: "Đặc trưng trang phục của người phụ nữ Thái trắng có màu sắc khá sặc sỡ; nổi bật, bắt mắt hơn so với người Thái đen".

Đồng bào dân tộc Mông sinh sống rải rác ở các tỉnh miền Bắc của Việt Nam; tại Thanh Hóa, bà con quần cư ở vùng núi cao Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Trang phục truyền thống của dân tộc Mông được xem là cầu kỳ và đa dạng bậc nhất. Điều đó được thể hiện trên cả bộ trang phục mặc hàng ngày và trang phục lễ tết của dân tộc này. 

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 19.

Một bộ trang phục hoàn chỉnh của phụ nữ gồm có: áo xẻ cổ, váy xòe xếp ly, xà cạp, mũ đội đầu và các phụ kiện trang sức. Có một đặc điểm dễ nhận thấy trên bộ trang phục Mông là đồng bào rất ưa thích trang trí trên áo, mũ những đồng xu bằng bạc, chuỗi hạt được kết rất tỉ mỉ. Cũng vì lẽ đó, bộ trang phục của dân tộc Mông rất rực rỡ, nhất là đối với phụ nữ càng toát lên vẻ đẹp rạng ngời.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm, Hội viên Hội nhiếp ảnh Việt Nam chia sẻ: "Mỗi một hoa văn chứa đựng biết bao công sức. Có khi họ dệt hàng năm mới được một sản phẩm như vậy. Những sản phẩm ấy có một thời bị mai một và bây giờ đang được khôi phục lại. Đến nay, bản sắc của các dân tộc anh em được phát huy qua các lễ hội, ở những ngày xuân, ngày Tết".

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 20.

Trang phục của phụ nữ dân tộc Dao

Ở Thanh Hóa, dân tộc Dao sinh sống ở một số làng của huyện Mường Lát, Cẩm Thủy và Ngọc Lặc, với hai nhóm chủ yếu là Dao Quần Chẹt và Dao Đỏ. Mỗi nhóm người Dao lại có những bộ trang phục truyền thống khác nhau. Bộ trang phục truyền thống của người Dao Đỏ bao gồm: áo, yếm, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các phụ kiện đi kèm và đặc trưng là những bông hoa, chùm trang trí kết bằng len rất rực rỡ. Trang phục của người Dao Quần Chẹt được thêu khá tỉ mỉ, màu sắc, hoa văn trên trang phục và phụ kiện đi kèm có nhiều món, tạo nên vẻ đẹp sinh động, khác biệt.

Tại Thanh Hóa, đồng bào dân tộc Thổ sinh sống chủ yếu ở các huyện Như Thanh, Như Xuân. Trang phục của đồng bào Thổ xưa kia chủ yếu do bà con tự dệt, màu sắc cơ bản là đen, nâu, chàm. 

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 21.

Trang phục của phụ nữ dân tộc Thổ

Phụ nữ mặc áo dài kèm váy, thắt lưng và khăn đội đầu; nam giới mặc quần áo màu nâu hoặc đen. Ngày nay, khi nghề dệt thêu của dân tộc Thổ mai một, bà con đã ứng dụng các loại vải dệt thêu thủ công của các dân tộc khác trên cùng địa bàn để thiết kế trang phục cho mình. Bộ trang phục của phụ nữ Thổ vừa đảm bảo độ thoáng mát, vừa mang vẻ đẹp nền nã và không kém phần kiêu sa, với sự pha phối của màu áo đỏ, khăn trắng, thắt lưng xanh và các mảng hoa văn thổ cẩm trên viền áo, váy.

Đặc trưng văn hóa trang phục các dân tộc- Ảnh 22.

Qua hàng vạn năm tiến hóa, các tộc người đã sáng tạo nên những bộ trang phục từ đơn giản đến cầu kỳ, với các mục đích sử dụng khác nhau, tôn vinh vẻ đẹp hình thể và tâm hồn, phản ánh sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, vạn vật. Việc bảo tồn và phát huy nét đẹp trang phục truyền thống là cách để bày tỏ niềm tự hào, tôn vinh vẻ đẹp và tài năng của con người trong lao động sáng tạo. Mỗi bộ trang phục chính là một tác phẩm nghệ thuật, làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.

Nguồn: Chuyên mục Sắc màu các dân tộc xứ Thanh/TTV

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận