Khơi dậy tiềm năng du lịch tại xã Yên Thắng
Không chỉ có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, xã vùng cao Yên Thắng, huyện Lang Chánh còn có tiềm năng lớn về phát triển du lịch cộng đồng. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Yên Thắng đã quan tâm huy động các nguồn lực để “đánh thức” tiềm năng này.
Có người ví rằng, ruộng bậc thang là "vân tay của trời", hay là những cung đàn uốn lượn trên các sườn núi… Ở xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, những thửa ruộng bậc thang đã có hàng trăm năm nay, được bao thế hệ người Thái cần mẫn tác tạo, chăm chút mà nên.
Ruộng bậc thang là nét đặc trưng của miền sơn cước, mang vẻ đẹp thiên nhiên hòa quyện với tình yêu lao động của con người. Đây không chỉ là phương thức canh tác nông nghiệp hiệu quả mà còn là truyền thống văn hóa của đồng bào ở vùng đất này.
Xã Yên Thắng có khoảng 45 hecta ruộng bậc thang. Trong đó có gần 20 hecta thuộc 03 bản là bản Peo, bản Tráng và bản Vặn; được đánh giá là một trong những điểm có phong cảnh đẹp nhất của xã Yên Thắng.
Dự kiến vào tháng 10 năm 2023, xã Yên Thắng sẽ tổ chức sự kiện văn hóa - du lịch, tiêu biểu là Lễ hội ruộng bậc thang. Sự kiện này vừa nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tạo "đòn bẩy" phát triển du lịch cộng đồng. Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc trong xã cùng giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, khơi dậy niềm tự hào, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với một số địa phương khác trên địa bàn huyện Lang Chánh, xã Yên Thắng cũng có nhiều tiềm năng và lợi thế để khai thác phát triển du lịch, kết nối với thác Ma Hao – bản Năng Cát, xã Trí Nang và nhiều điểm đến khác trong vùng. Núi rừng Yên Thắng có khí hậu trong lành, mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng. Đối với những ai yêu cảnh đẹp miền sơn cước, thích chụp ảnh, khám phá, trải nghiệm đời sống đồng bào dân tộc Thái thì vùng cao Yên Thắng là một lựa chọn mới.
Hiện xã Yên Thắng đang tập trung tuyên truyền để người dân gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Tới đây, xã sẽ tập trung khôi phục, phát triển các ngành nghề đặc trưng của địa phương như dệt thổ cẩm, đan lát, vận động các nghệ nhân cùng con cháu giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Gần đây, xã Yên Thắng thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành chức năng tổ chức cho người dân tham gia các lớp tập huấn phát triển du lịch cộng đồng; bảo tồn, phục dựng lễ hội lễ hội Chá Mùn - một trong những nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người Thái đen nơi đây. Qua đó, nhằm truyền dạy và giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào cho thế hệ kế tục. Đây là chương trình quan trọng trong năm 2023, nhằm triển khai có hiệu quả Đề án "Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021 - 2030" của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030" của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Bên cạnh việc tiếp thu các giá trị văn hóa truyền thống, học viên còn được trang bị kỹ năng tổ chức chương trình giao lưu, tương tác với du khách; giới thiệu, quảng bá, trình diễn nghệ thuật dân gian và các sản phẩm văn hóa của đồng bào dân tộc Thái gắn với hoạt động phát triển du lịch cộng đồng.
Điểm đặc biệt ở Yên Thắng là có những phiên chợ vùng biên, nơi giao lưu buôn bán giữa cư dân cụm bản Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, nước bạn Lào và bà con vùng biên giới Lang Chánh.
Phiên chợ Ngàm không chỉ là nơi mua bán mà còn là không gian giao lưu thấm đẫm bản sắc văn hóa địa phương. Chợ Ngàm biểu thị cho cuộc sống bình yên và tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc thiểu số Lang Chánh là nơi giao thoa của nhiều nguồn văn hóa khác nhau, là nơi người dân được trao đổi tâm tình và gửi gắm ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Theo nhiều chuyên gia du lịch, những nét khác biệt về cảnh quan, văn hóa dân tộc, sản phẩm đặc trưng khiến chợ phiên ở miền sơn cước có sức hút rất lớn đối với du khách thập phương. Nếu chợ phiên ở Lang Chánh được tổ chức tốt, gắn với hoạt động văn hóa, lễ hội thì không chỉ góp phần tạo đầu ra cho sản vật địa phương, mà hoàn toàn có thể hình thành sản phẩm du lịch mới.
Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, người dân thân thiện, hiếu khách, bản sắc văn hóa đa dạng, có nhiều đặc sản nông nghiệp, lưu giữ nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca dân vũ, ẩm thực, lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa của vùng dân tộc thiểu số… đó là những yếu tố quan trọng để Yên Thắng xây dựng và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Hi vọng rằng, thời gian tới, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh sẽ được quan tâm đầu tư hơn nữa trong hoạt động bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng các dịch vụ, nhằm phát triển du lịch cộng đồng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.