tin ảnh

Ký sự Nhất nghệ tinh - Nghề nuôi ong mật ở Yên Nhân

Những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân miền Tây xứ Thanh. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng xây dựng được thương hiệu mật ong để giúp người dân thoát nghèo như ở xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân. Từ việc khai thác các tổ ong rừng tự nhiên về làm mật theo cách truyền thống, đến nay, người dân nơi đây đã nuôi ong lấy mật đạt tiêu chuẩn, năng suất chất lượng cao, sau khi trải qua một quá trình dài học hỏi, đúc rút kinh nghiệm.

Minh Thúy- Văn Tráng

20/09/2022 23:31

Yên Nhân là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Thường Xuân. Địa hình đồi núi, khí hậu mát mẻ, độ che phủ rừng lớn với nhiều loài hoa nở quanh năm là điều kiện thuận lợi cho người dân xã Yên Nhân phát triển đàn ong mật.

Ký sự Nhất nghệ tinh - Nghề nuôi ong mật ở Yên Nhân - Ảnh 2.

Nghề nuôi ong lấy mật từ lâu đã đã trở thành sinh kế của bà con nơi đây, nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc xây dựng thương hiệu cho loại hàng hóa đặc sản này đã được chính quyền địa phương quan tâm. Xã đã đồng hành cùng người dân xây dựng thương hiệu mật ong Yên Nhân, hỗ trợ về kỹ thuật nuôi ong để đạt hiệu quả cao, bền vững.

Gia đình anh Vi Văn Vĩnh ở Thôn Chiềng đã đi rừng khai thác ong mật và làm nghề nuôi ong lấy mật từ lâu, nhưng phải đến khi được sự hỗ trợ của UBND xã, anh mới bắt đầu nuôi một cách bài bản, đúng kỹ thuật. Từ chỗ chỉ có 1 đàn ong, đến nay anh đã phát triển lên 50 đàn. Diện tích vườn, đồi của nhà không đủ, anh còn đem đàn ong đi gửi ở vườn, đồi của người quen.

Anh Vi Văn Vĩnh, thôn Chiềng xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Nghề nuôi ong tuy ít chi phí đầu tư và công sức nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Chính vì vậy, nếu không nắm bắt kỹ thuật thì rất khó theo nghề lâu dài. Vào mùa xuân, khi cây cối nảy lộc, đơm hoa, ong sẽ đi tìm thức ăn và đây là thời điểm tốt nhất để khai thác mật. Bình quân mỗi đàn ong có thể cho 15 lít mật/vụ.

Ký sự Nhất nghệ tinh - Nghề nuôi ong mật ở Yên Nhân - Ảnh 4.

Từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra các thùng ong để thay cầu yếu, tách cầu khỏe, bởi đây là mùa bảo tồn giống nòi cho ong. Vào mùa đông giá rét thì chủ động che chắn kín gió, vệ sinh thùng ong sạch sẽ phòng trừ bệnh hại, chăm sóc, nuôi dưỡng, cho ăn bổ sung đúng quy trình.

Trung bình mỗi chu kỳ khai thác mật ong thường kéo dài trong khoảng 20 ngày, khi các cầu quay đã lấp đầy mật. Để bảo đảm mật ong có chất lượng, thời gian thu hoạch mật tốt nhất thường là từ tháng 2 đến tháng 5 dương lịch, khi nhiều loại hoa nở rộ.

Chị Cầm Thị Thuyết, Chủ nhiệm HTX dịch vụ Nông, lâm nghiệp xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Nhận thấy nghề nuôi ong phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương, xã Yên Nhân đã khuyến khích bà con nhân rộng đàn kết hợp với trồng rừng để tạo nguồn thức ăn dồi dào cho ong.

Ký sự Nhất nghệ tinh - Nghề nuôi ong mật ở Yên Nhân - Ảnh 6.

Anh Lang Thanh Nghị ở thôn Chiềng mới bắt tay vào nuôi ong gần 2 năm nay. Trước đây, gia đình anh nuôi theo hướng tự phát, năng suất thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ. Nhưng giờ đây, với sự trợ giúp về kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm của Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Yên Nhân, mật ong của gia đình anh đã được kiểm nghiệm chất lượng và đóng chai, có nhãn hiệu, có thị trường tiêu thụ. Vì vậy, từ 3 đàn ong ban đầu, đến nay gia đình anh phát triển lên thành 20 đàn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Anh Lang Thanh Nghị, thôn Chiềng, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Ở Yên Nhân, mùa rộ mật bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 7, cao điểm là tháng 4 và tháng 5, người nuôi có thể quay mật từ 2 đến 3 lần trong tháng. Chất lượng mật thời điểm này cũng được đánh giá là tốt và đẹp nhất trong năm.

Ký sự Nhất nghệ tinh - Nghề nuôi ong mật ở Yên Nhân - Ảnh 6.

Mật ong thô sau khi thu hoạch sẽ được đưa vào máy tinh lọc để khử tạp chất, thủy phân. Điều này giúp mật ong không bị lên men, không bị biến màu và đậm đặc hơn. Sản phẩm mật ong sau khi được tinh lọc, đóng chai sẽ dán nhãn hiệu mật ong rừng Yên Nhân.

Ký sự Nhất nghệ tinh - Nghề nuôi ong mật ở Yên Nhân - Ảnh 8.

Từ những hộ nuôi đầu tiên, nhiều người dân xã Yên Nhân bắt đầu bị cuốn hút bởi hiệu quả mà nghề nuôi ong mang lại. Họ chủ động tìm hiểu kỹ thuật và đăng ký với hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Yên Nhân để tham gia tập huấn, hướng dẫn nuôi ong và được bao tiêu sản phẩm.

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Yên Nhân đã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đăng ký chất lượng, đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn hiệu hàng hóa với các cơ quan chức năng, làm tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm để giới thiệu mật ong Yên Nhân ra thị trường. Vì vậy, sản phẩm mật ong Yên Nhân đã được thị trường biết đến, làm ra đến đâu được khách hàng đặt mua hết đến đó.

Hiện nay toàn xã Yên Nhân có 70 hộ tham gia nuôi ong với khoảng 500 đàn, bình quân mỗi năm cho khoảng 500 lít mật. Nhờ nuôi ong lấy mật, nhiều hộ dân ở xã miền núi Yên Nhân đã thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, việc nuôi ong còn giúp thụ phấn cho cây trồng, tăng năng suất, chất lượng mùa màng, bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái.

Anh Lê Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Để nghề nuôi ong phát triển bền vững, Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Yên Nhân xác định xây dựng thương hiệu phải gắn liền với chất lượng sản phẩm. Mật ong được nuôi tại các cánh rừng nơi đây không chịu tác động từ hóa chất, ô nhiễm nên chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây chính là bước đi cơ bản trong việc xây dựng thành công thương hiệu "mật ong Yên Nhân ", đồng thời, cũng là cơ hội để sản phẩm mật ong Yên Nhân phát huy danh tiếng, tạo cơ sở và động lực thúc đẩy sản xuất.

Ký sự Nhất nghệ tinh - Nghề nuôi ong mật ở Yên Nhân - Ảnh 11.

Hiện nay, xã Yên Nhân đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để đăng ký xây dựng sản phẩm mật ong Yên Nhân đạt tiêu chuẩn OCOP. Việc xây dựng thành công sản phẩm OCOP mật ong Yên Nhân sẽ là bước khởi đầu quan trọng thay đổi tư duy làm kinh tế của người dân, hình thành nên chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, để đưa sản phẩm đặc trưng của miền núi Thường Xuân không ngừng vươn xa.

Thực hiện: Minh Thúy, Văn Tráng - Trình bày ảnh: Minh Hương


Nguồn: Ký sự Nhất nghệ tinh

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận