Ký sự Nhất nghệ tinh - Những người "giữ lửa" cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Trong nhiều năm qua, nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc Thái, Mường tưởng như mai một. Nhờ sự nỗ lực của nhiều chị em phụ nữ, nghề đã từng bước hồi sinh. Như những con ong cần mẫn của núi rừng, hàng ngày các mẹ, các chị miệt mài góp nhặt, gìn giữ nét đẹp tinh tuý của nghề dệt truyền thống, trao truyền cho thế hệ sau.
Sinh ra và lớn lên ở bản Ngàm, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, ngay từ bé bà Vi Thị Doanh đã được mẹ dạy cho cách dệt vải thổ cẩm. Sau này lớn lên, cũng giống như tất cả các cô gái trong bản, bà Doanh tự dệt vải để may trang phục cho các thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, việc sử dụng quần áo may sẵn rất tiện lợi nên nhiều người ở bản Ngàm bỏ khung cửi, thế hệ trẻ lớn lên dần xa rời khung dệt. Trăn trở với việc "giữ lửa" và trao truyền nghề cho thế hệ sau, bà Vi Thị Doanh đã đến từng nhà vận động bà con khôi phục lại khung dệt và trực tiếp truyền dạy nghề cho các cô gái trẻ trong bản.
Bà Vi Thị Doanh, Bản Ngàm, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Thực tế hiện nay trang phục thổ cẩm truyền thống chỉ được bà con bản Ngàm dùng chủ yếu trong ngày lễ tết. Muốn phát triển nghề dệt thổ cẩm theo hướng hàng hóa, bà Doanh phải mày mò nghiên cứu, sáng tạo mẫu, làm ra các sản phẩm có hoa văn, màu sắc độc đáo, để có thể bán cho khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng tại bản.
Hiện nay, bản Ngàm đã được huyện Quan Sơn lựa chọn để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Nhờ tâm huyết của bà Vi Thị Doanh trong việc gây dựng lại nghề dệt truyền thống, bản Ngàm đã duy trì được hơn 56 khung dệt thổ cẩm tại các gia đình, nghề thêu dệt vẫn được nhiều bạn trẻ kế thừa và phát huy.
Ông Lường Văn Duẩn, Bí thư chi bộ,Trưởng bản Ngàm, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Sinh ra trong một gia đình dân tộc Thái có truyền thống dệt thổ cẩm ở xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, từ nhỏ chị Hà Thị Dung đã thấy các bà, các mẹ ngồi bên khung dệt, miệt mài chuốt từng sợi vải để làm nên những tấm váy, chiếc khăn. Tình yêu với thổ cẩm của chị đã được nuôi dưỡng từ những năm tháng tuổi thơ như thế… Khi lớn lên, được mẹ dạy cho cách se vải, nhuộm màu, cứ thế niềm đam mê của chị dành cho từng đường kim, mũi chỉ lớn dần theo thời gian.
Yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chị Dung luôn trăn trở làm cách nào để gìn giữ và phát huy được nghề. Năm 2006, khi phần lớn những người phụ nữ Thái trong bản đã bỏ nghề dệt, chị lại đứng ra tổ chức dạy nghề cho chị em, đồng thời mở cơ sở dệt may nhằm khôi phục lại nghề dệt tại địa phương.
Những ngày đầu khởi nghiệp, chị Dung đối mặt với muôn vàn khó khăn. Phần lớn chị em còn non tay nghề, nguồn vốn của cơ sở sản xuất eo hẹp, đầu ra để tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều. Nhưng với niềm đam mê của bản thân, sự ủng hộ của gia đình, bạn bè, và hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị Dung vẫn quyết tâm gắn bó với nghề. Chị tìm đến những người có kinh nghiệm lâu năm về nghề dệt thổ cẩm trong xã, vận động họ tham gia dạy nghề.
Chị Hà Thị Dung, Xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa
Chị Hà Thị Dung đã mạnh dạn vay vốn mua thêm khung cửi, mở rộng việc dạy nghề, thu gom sản phẩm và tìm mối tiêu thụ. Hiện nay, phụ nữ xã Lũng Niêm có thể dệt được 8 loại thổ cẩm. Cơ sở may của chị Dung cũng sản xuất ra nhiều sản phẩm, trang phục của các dân tộc khác nhau. Từ việc khôi phục nghề dệt, chị Hà Thị Dung có thu nhập ổn định 20 triệu đồng/ tháng, tạo việc làm cho 40 phụ nữ tại xã Lũng Niêm, đồng thời tạo điều kiện cho 10 chị em lấy sản phẩm đi tiêu thụ tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện.
Cũng như nhiều chị em khác ở xã Lũng Niêm, chị Hà Thị Lý tham gia vào tổ dệt thổ cẩm của chị Dung từ sớm. Nhờ được chị Dung chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn dệt nhiều mẫu hoa văn cả truyền thống và hiện đại, nên sản phẩm làm ra khá phong phú.
Sản phẩm của gia đình chị Lý sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết hết đó, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Chị Hà Thị Lý, Xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa
Bà Phạm Thị Bảo sinh ra trong một gia đình dân tộc Mường ở làng Nhỏi, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc. Năm lên 10 tuổi, bà Bảo được mẹ và bà ngoại dạy cho những đường kim mũi chỉ đầu tiên. Đến năm 16 tuổi, cô gái Phạm Thị Bảo đã rất thành thạo khi ngồi vào khung cửi, biết tự mình dệt nên những tấm thổ cẩm, tạo những đường thêu bay bướm, đẹp mắt... Người Mường quan niệm, đã là con gái thì khi lớn lên phải biết dệt, phải giỏi thêu may, để làm nên trang phục đẹp cho chồng, con và bản thân.
Năm 2007, bà Bảo mạnh dạn thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm Bảo Hằng ngay tại nhà, tập hợp chị em trong làng để truyền dạy, phát triển nghề dệt thổ cẩm theo hướng hàng hóa. Qua nhiều năm vừa học tập kinh nghiệm của lớp người cao tuổi, vừa tự sáng tạo ra các hoa văn mới lạ, độc đáo, bà Bảo và chị em trong tổ hợp tác đã tạo ra được nhiều loại sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Bà Phạm Thị Bảo, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Bảo Hằng, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa
Từ chỗ chỉ có 4 người tham gia, đến nay tổ hợp tác dệt thổ cẩm Bảo Hằng đã có 36 phụ nữ làm việc thường xuyên, thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/ người/ tháng. Để phát triển tổ hợp tác, bà Bảo tìm cách đa dạng hóa mẫu mã và loại hình sản phẩm để cung cấp ra thị trường. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu chỉ đạt gần 1,2 tỷ đồng. Trừ chi phí, mỗi năm tổ hợp tác Bảo Hằng thu lãi từ 150-300 triệu đồng. Hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thậm chí không đủ để cung cấp cho nhu cầu của thị trường.
Không chỉ làm nên "mật ngọt" cho cuộc sống của chính mình và gia đình nhờ giá trị lao động, những người phụ nữ này còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm nên những sản phẩm quà tặng đặc sắc phục vụ phát triển du lịch ở vùng cao xứ Thanh.
Trình bày ảnh: Linh Phượng
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.