Những bậc danh thần trên đất Đông Sơn
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Đông Sơn đã được biết đến như một nền văn minh phát triển rực rỡ nhất trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, một trong những cái nôi của người Việt cổ. Thời gian và sự bồi lắng của những trầm tích văn hóa ấy đã khiến mảnh đất này trở thành nơi hội tụ của rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, di tích lịch sử - văn hóa đa dạng và giàu truyền thống cách mạng, hun đúc nên nhiều bậc hiền tài, vang danh hậu thế.
Làng Vạn Lộc, xã Đông Ninh huyện Đông Sơn chính là quê hương của bậc Khai quốc công thần thời Hậu Lê Nguyễn Chích, một trong những vị tướng có tài mưu lược hơn người.
Nguyễn Chích là một danh tướng có công lao to lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỉ XV, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của nhà Minh kéo dài 20 năm, đưa đất nước ta vào kỉ nguyên độc lập. Ngày nay, di tích lịch sử văn hoá và kiến trúc Nghệ thuật đền thờ Nguyễn Chích toạ lạc tại thôn Vạn Lộc, Xã Đông Ninh, Huyện Đông Sơn, là điểm đến ý nghĩa trong hành trình về nguồn của hậu thế.
Tọa lạc giữa một vùng cảnh quan sinh thái tuyệt đẹp với đường làng, ao cá và dòng kênh Bắc chảy hiền hòa, di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc Nghệ thuật đền thờ Nguyễn Chích gồm nhiều hạng mục như: đền thờ chính, khu vực văn bia và lăng mộ. Đền thờ Nguyễn Chích được bố cục theo kiểu chữ Nhị gồm nhà Tiền đường (3 gian), nhà Chính tẩm (3 gian), sân đền. Các vì kèo làm bằng gỗ lim, kết cấu theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền. Nơi đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Đông Ninh nói riêng và người dân Đông Sơn nói chung, mà còn là điểm đến tâm linh thu hút du khách gần xa.
Theo sử sách ghi lại, Nguyễn Chích sinh năm Nhâm Tuất (1383) trong một gia đình nông dân nghèo. Chẳng may bố mẹ và 2 em đều mất sớm, từ nhỏ Nguyễn Chích đã không nơi nương tựa phải đi ở chăn trâu cho các gia đình trong làng để kiếm kế sinh nhai. Nhờ sự am hiểu nơi này từ tấm bé, khi lớn lên chứng kiến cảnh đất nước lầm than, ông đã tập hợp trai tráng trong vùng dựng cờ khởi nghĩa chống giặc, và vùng núi Hoàng - Nghiêu được chọn để lập thành lũy, xây dựng căn cứ.
Nguyễn Chích mất ngày 26 tháng 11 năm 1448 hưởng thọ 66 tuổi. Mộ ông được táng tại cánh đồng Mả Phủ ở làng Vạn Lộc. Triều đình đã cho dựng bia tại quê hương ông để ghi nhớ công tích của vị khai quốc công thần có nhiều công lao đóng góp trong sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Nhà bác học Lê Quý Đôn trong tác phẩm "Kiến Văn Tiểu Lục" đã nhận định: "Bề tôi có công khai quốc, kể về bậc tài trí cần lao không phải là hiếm, nhưng sở dĩ vua Cao Hoàn bình định được cả nước là do mưu kế của Lê Chích". Cũng bởi công lao to lớn, mà Nguyễn Chích còn được Vua Lê Thái Tổ ban quốc tính (họ vua).
Nằm trên địa bàn xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, cái nôi của Cách mạng Thanh Hoá, di tích văn hoá lịch sử, Đền thờ và lăng mộ tướng công Thiều Thốn nằm trầm mặc, uy nghiêm, tựa lưng vào Đào Sơn, hướng mặt ra một cánh đồng lớn. Đây là một danh tướng có tài cao, đức trọng, một nhân cách lớn cuối triều Trần.
Phòng ngự sứ Thiều Thốn (1326–1380), người xã Thọ Sơn, tổng Thanh Khê nay là xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, làm quan dươi thời nhà Trần, trong giai đoạn đất nước có nhiều biến động. Ông được miêu tả là người có "tướng mạo khác người thường, mày rồng mắt phượng. Tuy còn nhỏ tuổi mà lời nói anh hùng chí khí. Bảy tuổi khai tâm nhập học, tư chất thông minh, đọc thông kinh sử, tài hơn cả bậc nho sinh". Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm, mẹ con rau cháo nuôi nhau. Thường ngày, ông theo mẹ đi hái củi ở núi Vân Nhưng đem bán để kiếm sống. Đến khi trưởng thành, ông đi theo con đường binh nghiệp, dốc lòng phò vua giúp nước, dẹp giặc, giữ yên bờ cõi.
Công trình đền thờ và mộ Thiều Thốn được xây dựng uy nghi, bề thế trên tổng diện tích khoảng hơn 10.500m2, mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống, bao gồm các hạng mục:, cổng tam quan, hồ bán nguyệt, điện chính nhà sắp lễ, nhà bia, lăng mộ, cột cờ trước sân đền và trên đỉnh núi Đào, chuông đồng... Đền thờ được xây dựng bằng gỗ lim, với những đường nét tinh tế, hoa văn, hoạ tiết chạm trổ, điêu khắc công phu. Phía sau chính điện, mộ phòng ngự sứ Thiều Thốn nằm trầm mặc, uy nghiêm giữa không gian thiên nhiên xanh mát, yên tĩnh, như một minh chứng cho sự linh thiêng của mảnh đất này. Để ngày hôm nay, hậu thế vẫn mãi nhắc nhớ và kể cho nhau nghe câu chuyện về một người con ưu tú của làng xã, dòng họ.
Trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, với phẩm chất cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, người Đông Sơn xưa và nay đã xây dựng mảnh đất này trở thành một trong những trung tâm văn hóa – chính trị của xứ Thanh. Danh tướng Nguyễn Chích, Thiều Thốn cùng rất nhiều bậc danh thần khác trên đất Đông Sơn đã, đang và sẽ mãi là niềm tự hào, là nguồn cội và cũng là điểm tựa tâm linh bình an cho lớp lớp các thế hệ người dân Đông Sơn nói riêng và người Việt Nam nói chung. Với hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh dày đặc, giàu giá trị văn hóa và sự quan tâm đầu tư tôn tạo của địa phương, Đông Sơn chắc chắn sẽ luôn là một là điểm đến hấp dẫn của du khách trong hành trình về với xứ Thanh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.