Chuyện đặc biệt về đội đặc nhiệm "chống"... ăn xin
Nhiều người trong tổ đặc nhiệm này từng phải thực hiện chống phơi nhiễm HIV, còn chuyện bị các đối tượng xã hội đen đánh thương tích, bầm tím người nhằm giải thoát cho người ăn xin... thì thường xuyên như "cơm bữa".
Nhiều năm gắn bó với công việc “giải cứu” những người ăn xin trên địa bàn Hà Nội, anh Nguyễn Văn Hải (Đội trưởng Đội trật tự XH 1, Đông Anh, Hà Nội) chua xót thừa nhận, ăn xin bây giờ là một nghề.

Nhấn để phóng to ảnh
Đứng đằng sau những nhóm người ăn xin bao giờ cũng có các tổ chức chăn dắt chuyên nghiệp. Hàng ngày, ngoài những người bán hàng rong, ăn xin đứng tại các ngã tư đường “giả nghèo, kể khổ” xin tiền, luôn có những đối tượng làm nhiệm vụ cảnh giới, tránh sự truy quét của lực lượng chức năng.
Bí quyết là phải lỳ đòn và... chai mặt
Đánh vào lòng tốt, muốn giúp đỡ những trường hợp khó khăn của cộng đồng, trong một ngày, một người nửa ăn xin nửa bán hàng rong ở Hà Nội có thể thu về từ 1-2 triệu tiền hàng. Người cầm đầu đường dây chăn dắt có thể thu được số tiền lớn mỗi tháng. Chính vì thu nhập siêu lợi nhuận nên các đối tượng này luôn có những chiêu thức tinh vi và sẵn sàng chống trả quyết liệt để tránh sự truy quét của lực lượng chức năng.

Nhấn để phóng to ảnh
Các đối tượng bảo kê thường rất ít ra mặt mà thường thuê xe ôm, dân xã hội đen theo dõi những đối tượng ăn xin trong đường dây
“Các đối tượng bảo kê thường rất ít ra mặt mà thường thuê xe ôm, dân xã hội đen, người nghiện… đe dọa, cản trở mỗi khi chúng tôi tập trung, thu gom người ăn xin về trung tâm”, anh Hải nói.
Có lần chúng giả danh là người dân, la hét nằm ăn vạ chặn đầu xe giữa đường. Có lần, các đối tượng không ngần ngại mang hung khí đe dọa, thách thức các cán bộ.
Anh Hải nhớ nhất là vào năm 2016, khi đang đưa 2 người ăn xin (1 già, 1 trẻ) tại khu vực Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) về trung tâm, đến đoạn đê vắng thuộc khu vực Đông Anh (Hà Nội), bất ngờ xuất hiện một nhóm người đàn ông xăm trổ, đi xe máy tạt đầu, liên tục buông lời thách thức. “Chúng mày thả người tao ra. Tao thách chúng mày mang được người của tao về đấy”.
Trong khi các cán bộ của Đội trật tự XH chưa kịp phản ứng gì thì một người đàn ông đầu trọc, sấn sổ lao tới, đạp cửa ô tô, dí chiếc tua vít sắc nhọn vào cổ người lái xe của trung tâm đe dọa. Lợi dụng điều đó, các đối tượng còn lại nhanh chân đưa người ăn xin lên xe máy tẩu thoát.
Người của Trung tâm không được dùng vũ lực mà chỉ được phép tuyên truyền, giải thích và gọi lực lượng công an đến hỗ trợ. Chính vì thế, lần đó anh Hải và các thành viên trong đội đành bất lực đứng nhìn nhóm người này mang... nạn nhân đi.

Nhấn để phóng to ảnh
“Khi mới vào nghề, gặp những đối tượng bảo kê như thế thì cũng có chút sợ và chột dạ nhưng lâu dần cũng quen. Làm nghề này nếu không “lỳ đòn” và “chai mặt” thì không thể trụ được”, anh Hải chua xót thừa nhận.
Đội Trật tự XH – Trung tâm bảo trợ XH Đông Anh có 13 người thì 3 người từng phải thực hiện phơi nhiễm HIV, chuyện bị đánh thương tích, bầm tím người thì thường xuyên như “cơm bữa”.
“Khoảng thời gian phải chờ đợi những tấm phiếu kết quả xét nghiệm như dài cả thế kỷ. Những lúc ấy, mệt mỏi, stress và căng thẳng tột độ. Chỉ đến khi giấy báo về âm tính với HIV thì mới thở phào nhẹ nhõm”, anh Hải chia sẻ.
Một người ăn xin bị tập trung trong trung tâm đồng nghĩa với việc không thể bán hàng rong, kiếm tiền nên các đối tượng chăn dắt, luôn “cố sống, cố chết” đòi đưa người ra bằng được. Không ít lần, chúng liều mình chèo cổng vào trung tâm gây rối, hành hung các cán bộ.
Thậm chí, nhóm bảo kê trong các đường dây ăn xin còn phân công người hàng ngày sang khu vực trung tâm để theo dõi hoạt động xe ô tô, chỉ cần thấy xe ô tô đi ra khỏi cổng là bám theo. Nếu thấy xe của trung tâm đi đến khu vực nào, các đối tượng sẽ lập tức gọi điện thông báo cho đồng bọn ở đó tẩu thoát.

Nhấn để phóng to ảnh
Với những trường hợp này, anh Hải cho biết các cán bộ tại đây phải có “kỹ năng”, nghiệp vụ riêng để xử lý. Thường các anh đi tuần tra bằng xe máy, đôi khi đánh lạc hướng bằng cách điều xe ô tô đến địa bàn này nhưng lại cử người bí mật đi đến các địa điểm khác để theo dõi, tập trung người ăn xin về trung tâm.
“Có lần không đòi được người, nhóm bảo kê vác cả dao tấn công vào trung tâm đe dọa, chửi bới. Chúng khủng bố tinh thần bằng cách gọi điện, nháy máy vào điện thoại liên tục, “bẩn” nhất là mang người thân của chúng tôi ra thách thức, đe dọa”, anh Hải kể.
Hạnh phúc là giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, khó khăn
Đội trật tự Xã hội (Trung tâm Bảo trợ Xã hội, Đông Anh, Hà Nội) được thành lập để thu gom ăn xin trên địa bàn 14 quận huyện được phân công. Nhân lực mỏng, địa bàn quản lý lại rộng nên các cán bộ ở đây làm việc gần như không có ngày nghỉ, thay nhau túc trực cả ngày lẫn đêm. Một cán bộ một ngày có thể phải di chuyển, bám địa bàn với quãng đường trên dưới 200 km, chủ yếu là đi xe máy.
Dù đối mặt với không ít khó khăn và nguy hiểm nhưng anh Hải cho biết, hạnh phúc nhất với những cán bộ như anh là được giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh.

Nhấn để phóng to ảnh
Anh Nguyễn Văn Hải (Đội trưởng Đội Trật tự xã hội số 1, Đông Anh, Hà Nội)
“Không phải ai cũng muốn đi ăn xin, có những người vì hoàn cảnh, người thì vì bị ép buộc phải đi, trong đó đáng thương nhất là những người già, trẻ nhỏ. Tôi vẫn nhớ như in cách đây 3-4 năm, khi xe của Trung tâm bảo trợ XH 1 đến khu vực Quán Sứ, một cụ già khoảng 70 tuổi, trên tay cầm giỏ kẹo cao su, thất thểu tiến lại chúng tôi, nói như sắp khóc: “Tôi chờ các chú lâu lắm rồi, các chú cho tôi đi với, cho tôi về trung tâm. Tôi không còn ai thân thích”… Năm ấy, cụ già đã có một cái Tết ấm cúng và lần đầu tiên được đón giao thừa đúng nghĩa mà không phải lăn lộn hay lo cái ăn, cái mặc ngoài đường.”, anh Hải chia sẻ.
Là thành viên trẻ tuổi nhất và cũng là “bóng hồng” hiếm hoi trong Đội Trật tự XH, Lê Thúy An (sinh năm 1995, quê Ba Vì, Hà Nội) có thâm niên gắn bó 2 năm trong nghề. An kể thời gian đầu khi mới đi làm, công việc vất vả hơn nhiều so với hình dung của cô. “Có những ngày em chạy xe máy ròng rã cả trăm km, đi hết địa bàn này đến địa bàn khác. Trời mát mẻ còn đỡ những hôm nắng nóng, hay gió mùa, mưa rét thì vô cùng vất vả”, An tâm sự.
Các đối tượng chăn dắt ăn xin hoạt động rất tinh vi và luôn có các lớp lang bảo vệ bọc lót kỹ càng, vì thế để đối phó không phải đơn giản. Trước khi đưa người về trung tâm, các cán bộ như An phải quay phim, chụp ảnh để có bằng chứng xử lý. Nhiều lần khi vừa đưa chiếc điện thoại lên ghi hình, An lập tức bị những người lạ mặt sấn sổ áp sát đòi giật máy hoặc đe dọa “xử”.
“Trong những tình huống này mình phải khéo léo, chọn những góc khuất, kín đáo để thu thập bằng chứng, khi đã có rồi thì sẽ gọi cho công an phối hợp cùng xử lý, giải quyết”, An chia sẻ.
Nhà cách cơ quan 80 km, nên An gửi con gái cho hai bên nội ngoại luân phiên chăm sóc, còn mình thuê trọ trên Hà Nội. Mỗi tuần, hết đợt trực cô lại tranh thủ ngày nghỉ về thăm con. Con gái An năm nay hơn 1 tuổi nhưng cô bé “quấn bà hơn mẹ”.
“Thời gian đầu, mọi người trong gia đình cũng khuyên em nên chọn công việc nhẹ nhàng, có thời gian chăm sóc cho con cái, nhưng công việc là cái duyên, hơn nữa làm nghề này em cũng giúp đỡ được nhiều người nên cũng cảm thấy rất vui và ý nghĩa”, An tâm sự.
Cô gái có dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt sáng tâm sự, nỗi ám ảnh với cô không phải là những lời đe dọa của nhóm người bảo kê mà chính là ánh mắt khắc khoải như tuyệt vọng của những đứa trẻ hay những người già bị lợi dụng phải đi bán hàng rong, xin tiền ngoài đường.
“Nhiều đứa trẻ chỉ khoảng 5-7 tuổi đã sớm phải bươn chải đội nắng mưa bán từng thanh kẹo, tăm bông. Khi được đưa về trung tâm, nhiều em bật khóc, nức nở bảo chỉ muốn đi học, muốn đến trường vui chơi cùng các bạn. Nghe những dòng tâm sự xót xa này, bản thân em cảm thấy đau xót vô cùng”, An tâm sự.

Nhấn để phóng to ảnh
Ông Nguyễn Văn Lưu - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 1
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lưu - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 cho hay, cái khó của việc giải quyết triệt để nạn ăn xin, lang thang trên địa bàn thành phố là thiếu cơ chế để xử lý. “Thường họ chỉ phải tập trung từ 1- 4 tháng tại trung tâm để tuyên truyền, chịu sự quản lý rồi sau đó lại được ra. Có những người là “khách quen”, vào ra trung tâm đến 3-4 lần vì cứ hết đợt tập trung lại trở về con đường đi ăn xin”, ông Lưu nói.
Ông Lưu cũng cho rằng người dân không nên cho tiền người ăn xin, lang thang cơ nhỡ mà có thể giúp đỡ thông qua các tổ chức đoàn thể tại địa phương. Bởi lẽ việc cho tiền trực tiếp sẽ khiến tình trạng người ăn xin ngày càng nhiều hơn, và là cơ hội cho các đối tượng bảo kê, chăn dắt lợi dụng, bóc lột sức lao động.

Nhấn để phóng to ảnh
“Nếu phát hiện người ăn xin, trẻ em bán hàng rong trên đường phố Hà Nội, người dân có thể gọi điện thoại đến đường dây nóng của Trung tâm Bảo trợ XH hoặc số điện thoại của công an phường, địa phương để giải quyết”, ông Lưu nói.
Theo luật sư Đào Thị Lan Anh, Công ty luật Thiên Đức, hiện nay việc xử lý các đối tượng chăn dắt, bảo kê trong các đường dây ăn xin cũng chưa “đủ sức răn đe”. Bộ luật Hình sự chưa có quy định nào về việc xử lý hình sự đối với hành vi chăn dắt ăn xin mà hành vi này mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính.
Theo các quy định quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP, người nào ép buộc người cao tuổi lao động hoặc làm những việc trái quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, trong khi đó, người nào ngược đãi, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi: tổ chức, ép buộc đi ăn xin sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
“Với mức xử phạt hành chính như vậy là quá nhẹ, không đủ sứ răn đe bởi số tiền bị phạt so với số tiền thu được hàng ngày do việc chăn dắt ăn xin chênh lệch khá lớn. Vì vậy, cũng nên xây dựng chế tài để bảo vệ người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật… bị lợi dụng hoàn cảnh khó khăn để trục lợi”, luật sư Lan Anh chia sẻ thêm.
Đỗ Quân - Hà Trang/ Dân trí
Bài viết cùng chuyên mục
Đọc thêm

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá công bố và trao các quyết định về công tác cán bộ ngày 29/6/2025
Sáng 29/6, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh về công tác cán bộ. Đại diện lãnh đạo Đảng uỷ các cơ quan Đảng tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh uỷ dự buổi lễ.

Công an điều tra, làm rõ 2 nhóm nữ sinh chém nhau
UBND thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân cho biết, cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc 2 nhóm nữ sinh ẩu đả, cầm dao chém nhau khiến 2 em bị thương.

Bản tin An ninh 28/6/2025
Bản tin An ninh 28/6/2025 có những nội dung chính sau: - Công an tỉnh Thanh Hoá thông báo tạm dừng thu nhận hồ sơ cấp căn cước, định danh điện tử trên địa bàn để thực hiện việc cập nhật địa giới hành chính mới - Xử lý nghiêm tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông - Công an tỉnh Thanh Hoá chuẩn bị các điều kiện để chuyển việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính đối với 2 lĩnh vực: cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp, đổi giấy phép lái xe từ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh về Bộ phận một cửa Công an tỉnh từ ngày 30/6

Thanh Hoá: Triệt xóa đường dây mua bán trái phép ma túy liên tỉnh, thu giữ gần 5,6kg ma túy
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây mua bán trái phép chất ma túy, bắt giữ nhiều đối tượng, thu giữ gần 5,6kg ma túy các loại, 1 khẩu súng quân dụng và 6 viên đạn.

Bắt xử lý 180 vụ, 417 đối tượng phạm tội về ma túy trong 6 tháng đầu năm
6 tháng đầu năm 2025, lực lượng phòng, chống ma túy tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, bắt xử lý 180 vụ, 417 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật về ma túy, giảm 54% về số vụ, 42% về số đối tượng so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả này minh chứng rõ nét tính hiệu quả của chiến lược “chặn cung, giảm cầu, giảm tác hại ma túy” mà tỉnh Thanh Hóa đã kiên trì thực hiện trong suốt nhiều năm qua.

Phòng chống ma túy – Cuộc chiến cam go và thầm lặng
Ngày 26/6 hằng năm là “Ngày thế giới phòng, chống ma túy” và cũng là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” ở Việt Nam. Đây là dịp để mỗi người cùng nhìn nhận và nêu cao nhận thức trong phòng, chống và đấu tranh đẩy lùi tệ nạn ma túy. Với tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài”, những năm qua, Thanh Hóa đã và đang kiên trì đấu tranh, từng bước đẩy lùi ma túy ra khỏi đời sống cộng đồng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng phòng, chống ma túy tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, bắt xử lý 180 vụ, 417 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật về ma túy. Phía sau những con số là sự hi sinh thầm lặng của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ phòng, chống ma túy - những người đang từng ngày giữ bình yên cho cuộc sống.

Bản tin An ninh 26/6/2025
Bản tin An ninh 26/6/2025 có những nội dung chính sau: - Nâng cao kỹ năng nhận diện ma túy đối với công nhân, người lao động - Thanh Hóa phấn đấu thu nhận gần 11.000 mẫu ADN thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính trước ngày 1/7 - Triển khai đồng bộ các phương án đảm bảo an toàn, an ninh trật tự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 trên địa bàn tỉnh

Hưởng ứng cuộc thi "Tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình"
Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2025 do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá tổ chức đã và đang thu hút sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Hiểm họa ma túy thế hệ mới
Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2006, đến nay, ma túy tổng hợp đã và đang trở thành thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng và toàn xã hội khi lượng người sử dụng ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Một trong những nguyên nhân thúc đẩy tình trạng này là nhận thức sai lầm, cho rằng đây là loại hợp chất tạo cảm giác hưng phấn nhưng không gây nghiện, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Thế nhưng, trên thực tế, hệ lụy do ma túy tổng hợp gây ra còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần so với ma túy truyền thống.

Xác minh vụ hàng nghìn chai nước mắm bị vứt bỏ ở tỉnh Quảng Nam
Liên quan đến vụ việc hàng loạt bao bì chai nước mắm mang nhãn hiệu “Chắt cá cơm”, “Cá cơm vàng”, “Thơm ngon tinh khiết”, trên các bao bì có ghi rõ nơi sản xuất tại tỉnh Thanh Hóa bị vứt bỏ tại xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, gây dư luận không tốt và ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm nước mắm truyền thống của địa phương, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng vào cuộc, tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.