Cần xung lực mới để khu di tích Đền Nưa - Am Tiên phát triển đột phá
"Manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và thiếu tính bền vững” - đó là thực trạng đáng buồn của khu di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh Điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên) kể từ khi được chính thức công nhận là di tích cấp Quốc gia đến nay. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đã đến lúc cần định vị lại giá trị của khu vực này trong dòng chảy văn hóa truyền thống và xu thế hiện đại, nhằm thúc đẩy sự phát triển đột phá, đặc biệt là khắc phục hạn chế về cơ chế quản lý lỏng lẻo, cơ sở vật chất nghèo nàn và sự thiếu hụt giáo dục di sản.
Với vị trí chiến lược, khu vực Núi Nưa là nơi Bà Triệu lập căn cứ, tạo bàn đạp cho cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô năm 248. Tương truyền, đỉnh núi Nưa là nơi năng lượng đất trời giao hòa, sinh khí mạnh mẽ nên được biết đến là huyệt đạo thiêng nhất Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập, Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên đáng lẽ phải được định vị là một không gian văn hóa - lịch sử tiêu biểu mang tầm Quốc gia, gắn với người anh hùng dân tộc Bà Triệu - một trong những nữ anh hùng sớm nhất của Châu Á, đồng thời mang trong mình những giá trị văn hóa nữ quyền, bản sắc của vùng đất xứ Thanh.

Thế nhưng, trong nhiều năm qua, cách tiếp cận đối với khu vực này chỉ dừng lại ở một điểm hành hương - tâm linh ngắn hạn, thiên về tín ngưỡng dân gian mà chưa thật sự đánh thức được chiều sâu của giá trị lịch sử - văn hóa giàu bản sắc.

Tiến sĩ Phạm Hoàng Mạnh Hà, Giảng viên Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
Tiến sĩ Phạm Hoàng Mạnh Hà, Giảng viên Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: "Một khu di tích thiêng nhưng thiếu hoàn toàn hệ thống đón tiếp – dẫn dắt, truyền thông văn hóa, không có trung tâm diễn giải lịch sử, không hạ tầng số hóa, công nghệ dẫn đến việc du khách chỉ đến thăm rồi đi, mà không thật sự chạm được vào chiều sâu văn hóa lịch sử của Am Tiên. Bản thân người dân địa phương chưa ý thức được hết giá trị của di tích, chưa tham gia vào hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di tích".
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tư duy "quản lý di tích", chỉ khai thác những gì sẵn có khiến dấu ấn về Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên đang dần mờ nhạt trên bản đồ du lịch di sản.

Cùng là điểm huyệt đạo thiêng Quốc gia và mang đậm văn hóa nữ quyền, nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đã hoàn toàn "lột xác", từ một nơi hoang vu thành điểm đến hàng đầu khu vực Nam Bộ. Năm 2023, núi Bà Đen cán mốc 5 triệu du khách đến hành hương, chiêm bái và con số này đang tăng dần qua mỗi năm. Và năm 2025, nơi đây được chọn là điểm tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc. Dự kiến, trong dịp đại lễ này, sẽ có hàng nghìn phật tử trong và ngoài nước sẽ đến tham quan, chiêm ngưỡng không gian Phật giáo sống động tại núi Bà Đen.

Trong khi đó, Núi Nưa (Thanh Hóa) chỉ khiêm tốn với con số vài chục nghìn khách mỗi năm, hầu hết tập trung vào dịp lễ hội đầu năm, còn ngày thường thì rất thưa vắng.

Để tạo đà cho Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên phát triển, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch khu di tích, mở rộng khu vực bảo tồn, lập đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tại khu vực này theo hướng Nhà nước quản lý toàn diện, phối hợp với đội ngũ chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp để hoạch định chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của khu di tích, đồng thời tạo điều kiện về sinh kế, phát triển đời sống cộng đồng dân cư lân cận.

Ông Lê Văn Sơn, Cán bộ văn hóa xã hội, UBND thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Ông Lê Văn Sơn, Cán bộ văn hóa xã hội, UBND thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng sẽ có những phát triển đột phá ở khu vực này để tôn tạo, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống"
Tuy vậy, "đánh thức" giá trị di tích trong bối cảnh hội nhập không phải là câu chuyện một sớm một chiều và thành công không chỉ bằng nỗ lực từ một phía. Từ kinh nghiệm phát triển của các điểm di tích - danh thắng khác trên cả nước, các chuyên gia cho rằng: điều cần làm ngay là chuyển đổi tư duy sang "phát triển giá trị di sản gắn với du lịch, giáo dục và bản sắc của địa phương" với mục tiêu đưa Đền Nưa - Am Tiên trở thành trung tâm diễn giải lịch sử Bà Triệu, vùng di sản thiêng của phụ nữ Việt Nam và là một trong những "linh sơn" tiêu biểu của quốc gia.

Điều này đòi hỏi sự tổng hòa của các xung lực mới, như: tầm nhìn chiến lược trong tiếp cận di sản; hoàn thiện mô hình quản lý chuyên nghiệp, hiệu quả; thiết lập thương hiệu, bộ nhận diện di tích và hình thành chuỗi giá trị di sản.

Tiến sĩ Phạm Hoàng Mạnh Hà, Giảng viên Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: "Những bước đi hiện nay của tỉnh Thanh Hóa là đúng hướng, nhưng mới chỉ là nền móng khởi đầu. Để biến Am Tiên - núi Nưa thành một biểu tượng quốc gia, cần sự kết hợp hài hòa giữa: Chiến lược - thể chế - hạ tầng - nhân lực - truyền thông - cộng đồng - kết nối vùng. Quan trọng nhất là giữ được cái "hồn di tích", đồng thời biến giá trị di sản trở thành động lực phát triển bền vững trong thế kỷ XXI".
Tỉnh Thanh Hóa đã có những hoạch định lớn, đúng hướng cho sự phát triển của Đền Nưa - Am Tiên. Và người dân đang rất kỳ vọng vào những giải pháp cụ thể, quyết liệt, đồng bộ, hiện thực hóa các định hướng này nhằm đánh thức những giá trị tiềm tàng của căn cứ khởi nghĩa Bà Triệu sau giấc ngủ dài tĩnh lặng nhiều năm qua.
