Từ xa xưa kể lại
Được ví như “Thành nhà Hồ thu nhỏ” tại xứ Thanh, đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi tại xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, được đánh giá như pho tư liệu quý về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thế kỷ 17. Đây cũng là ngôi đền nổi tiếng với lăng mộ bằng đá độc nhất vô nhị và có niên đại 400 năm tuổi.
Về xã Đông Thanh, Đông Sơn hỏi thăm đền thờ - lăng mộ Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi (hay còn gọi là Lăng Quận Nghi) thì ai cũng biết. Bởi đây không chỉ là nơi tín ngưỡng mà còn là nơi lui tới của những người hiếu học trong vùng.
Theo sử sách để lại, Tướng công Nguyễn Văn Nghi sinh ra trong một gia đình khoa bảng, cha và anh của ông đều là những người giữ trọng trách trong triều. Năm Giáp Dần, niên hiệu Thuận Bình thứ 6 (1554) dưới đời vua Lê Trung Tông, ông đỗ Nhất giáp khoa. Là người đoan chính, trọng khuôn phép, ông được Trịnh Kiểm tin cậy giao cho làm Hiệu lý Viện hàn lâm. Ông là người trực tiếp hầu giảng 2 vua: Lê Anh Tông và Lê Thế Tông nên thường được truyền tụng là "người thầy của 2 đời vua".
Không những vậy, ông còn luôn giương cao đạo học chốn quê hương và tích cực hỗ trợ cho các nho sinh trong vùng, ban tiền, ban của để họ có thể tiếp tục theo đuổi sách thánh hiền. Tới khi ông mất, đền thờ được dựng lên. Mỗi khi có chuyện liên quan tới học hành thi cử, người dân lại đến kính ông, thắp một nén nhang trước lúc lên đường. Những người theo đạo Nho, ra vào cửa Khổng sân Trình đều xem ông như bậc thầy học lớn để noi theo.
Theo sử sách, đền thờ Nguyễn Văn Nghi được xây dựng từ năm 1617 niên hiệu Hoàng Định thứ 18 đời vua Lê Kính Tông (1600-1619). Đến năm 1628, con trai thứ hai của ông là Binh bộ thượng thư Đăng quận công Nguyễn Khải đã mở rộng thêm quy mô kiến trúc. Cháu ngoại của ông là Lê Khắc Tuy- tri phủ Hà Trung cùng dân 14 xã trong huyện Đông Sơn tu bổ hoàn chỉnh vào tháng 9 năm 1632, đền thờ được tôn tạo đúng vị trí ban đầu.
Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi tọa lạc trên diện tích 38.000 m2, nằm giữa cánh đồng thuộc xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn. Theo các tài liệu lịch sử và dấu tích nền móng còn sót lại, khu đền thờ - lăng mộ được thiết kế theo kiểu "nội công ngoại quốc", bao quanh bởi hai vòng thành khép kín: Thành ngoài bằng đất, thành trong bằng đá. Bên trong tường thành là hệ thống hạng mục kiến trúc bề thế. Dọc lối đi vào gần cổng đền có hai hàng tượng chó, ngựa, voi đá, tượng người chầu… được tạc khắc rất tinh xảo.
Kiến trúc của ngôi đền là điển hình về nghệ thuật kiến trúc của một thời kỳ lịch sử, ẩn chứa những tư tưởng, trí tuệ của người xưa. Không chỉ là công trình có lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, khu đền thờ Nguyễn Văn Nghi còn mang giá trị lịch sử - văn hóa to lớn, thể hiện đạo lý "Tôn sư trọng đạo" và "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Với giá trị văn hoá, lịch sử vô cùng đáng quý, rất nhiều người dân địa phương và du khách thập phương đã đến và tham quan ngôi đền, cũng như dành sự tôn kính đối với Tướng công Nguyễn Văn Nghi.
0:00Ông Lê Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn
Trước đây, toàn bộ khu đền thờ có tới 24 dãy nhà lớn bé bao quanh, bố trí từ nhà sắp lễ ở ngoài cổng, khu đền thờ, khu hậu viên, khu nhà tổ, khu nhà thờ dành cho người vợ của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi... Trải qua biến thiên của lịch sử, rêu phong của thời gian, đến nay chỉ còn lại nền móng hoặc không còn dấu vết.
Trong đền còn lưu giữ hai tấm văn bia bằng đá nguyên khối kích thước lớn. Một bia ghi về gia đình, dòng họ, thân thế, sự nghiệp của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi. Bia còn lại là Thượng Thư lệnh công ký, niên đại năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628). Bia có mái che hình vuông bằng đá, ghi công đức và việc cung tiến của nhân dân. Thiết kế cổng đền khiến bất kỳ ai cũng đều dễ dàng liên tưởng đến công trình kiến trúc độc đáo - Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
Có thể nói, ngôi đền ẩn chứa tư tưởng, trí tuệ của người xưa, được đánh giá như pho tư liệu quý về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thế kỷ XVII. Năm 1990 đền thờ Nguyễn Văn Nghi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Hàng trăm năm đã trôi qua, những giá trị văn hoá lịch sử của cha ông ta vẫn luôn còn mãi với thời gian và luôn được bảo tồn, gìn giữ, là tấm gương sáng cho hậu thế.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.