114 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Hành trình ánh sáng - hành trình tương lai
Cách đây 114 năm, với ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Hành trình của Người đã mở ra những mốc son rực rỡ nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Ảnh: TTXVN
“Người đi tìm hình của nước”
Với một hoài bão cứu nước, cứu dân mãnh liệt, bản lĩnh và sự mẫn cảm chính trị ở tuổi 21 của một tầm nhìn xa, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. (1)
Ý thức rõ rang ngay từ đầu về mục đích ra nước ngoài của mình đã giúp Người có cách đi và cách làm đặc biệt.

Ngày 5/6/1911, từ bến Nhà Rồng - cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, ra đi trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Người đã đi đến nước Pháp, nước Mỹ, nước Anh và rất nhiều thuộc địa của chủ nghĩa thực dân ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ; hoà mình vào cuộc sống của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa ra sức học tập, nâng cao vốn hiểu biết và tìm mọi cách để hoạt động cách mạng. Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp vì nhận thấy “đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi và là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Tháng 6/1919, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi tới Hội nghị Vécxay (Pháp) bản Yêu sách của Nhân dân An Nam, gồm 8 điểm đề nghị Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, bình đẳng, dân chủ tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Yêu sách là tuyên bố chính trị đầu tiên của nhân dân Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, đã thể hiện tấm lòng yêu nước thiết tha, khát vọng của Nguyễn Ái Quốc và nhân dân các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ, quyền tự quyết của các dân tộc, khơi nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

Từ 25 - 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc ủng hộ Luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và cũng là người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Mùa hè năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tiếp cận bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité). Qua đó đã giải đáp cho Người con đường giành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào. "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đến khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!" (2). Kết quả tất yếu của sự chuyển biến về tư duy, nhận thức đưa Người đến một quyết định là bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp (tháng 12/1920). Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa cộng sản, “từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”.
Sau khi tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, Người ra sức kiến tạo những nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, thực hiện được khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Từ năm 1921 đến 1930, Người ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21/6/1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng. Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ thông qua việc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925) và tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô...

Từ ngày 6/1 - 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở Hong Kong (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Ảnh: TTXVN phát
Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Người, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành, con đường cứu nước đúng đắn của Việt Nam đã cơ bản được xác định.
Người về mang tới những mùa Xuân

Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Marx-Lenin, thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử của xã hội Việt Nam, trở thành quan điểm xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập”, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, Người trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng phù hợp với sự thay đổi mau lẹ của tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.
Tháng 8/1945, với tư duy chính trị nhạy cảm và sắc bén, dự báo chính xác, phân tích kịp thời và thấu đáo tình hình trong nước và quốc tế, nhận rõ thời cơ cách mạng đã chín muồi, Người nêu quyết tâm "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc", "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã vùng lên phá tan gông xiềng nô lệ hơn 80 năm của chế độ thực dân, xóa bỏ chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một thời đại mới rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh.

Bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” của nhà báo Trần Mai Hưởng.
Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã vững bước trên con đường mà Người đã chọn. Đó là con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mang tầm nhìn vượt thời gian đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác - giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; thực hiện thành công công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Từ một quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng với thế giới, giữ vững độc lập, chủ quyền và phát triển bền vững.

Xe mang ảnh Bác tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Anh Hiếu/Báo Tin tức và Dân tộc.
Kỷ niệm 114 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, một lần nữa khẳng định ngày 5/6/1911 - ngày Người rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước là sự kiện đặc biệt, có tính chất quyết định đối với tiến trình lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX và cả hiện tại lẫn tương lai.
(1): Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của BCH TƯ Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr 5,6.
(2): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.562

Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Thủy thăm, tặng quà gia đình chính sách
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), sáng ngày, 17/7, đoàn công tác do đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Hậu Lộc và thăm, tặng quà các gia đình chính sách.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dâng hương nghĩa trang thăm, tặng quà các gia đình chính sách
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chiều ngày 17/7, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã đến dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ Nông Cống; thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và kiểm tra tình hình hoạt động tại một số công sở, Trung tâm Phục vụ hành chính công các xã: Thắng Lợi, Nông Cống.

Đoàn đại biểu Tỉnh uỷ - Hội đồng nhân dân - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hoá dâng hương, viếng các anh hùng liệt sỹ tại tỉnh Tuyên Quang
Ngày 17/7, đoàn đại biểu Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã dâng hoa, dâng hương, viếng các anh hùng liệt sỹ tại tỉnh Tuyên Quang. Cùng tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Lê Anh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy phường Hạc Thành; Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh.

Hội nghị góp ý Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thọ Lập lần thứ I
Sáng ngày 16/7, Đảng ủy xã Thọ Lập tổ chức hội nghị Ban chấp hành lần thứ 2 thảo luận, góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Công bố các quyết định của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã Tây Đô
Sáng ngày 16/7, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tây Đô đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất nhằm công bố các quyết định về công tác tổ chức và cán bộ.

Động viên, kiểm tra lực lượng xây dựng công trình quốc phòng
Ngày 16/7, Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa do Đại tá Vũ Văn Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng làm trưởng đoàn đã đến động viên, kiểm tra lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng các công trình quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dâng hương, thăm, tặng quà các gia đình chính sách
Sáng ngày 16/7, đồng chí Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Nga Sơn và Hà Trung; thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh, liệt sĩ trên địa bàn các xã Nga Sơn, Hà Long.

Xã Giao An tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ xã
Sáng ngày 16/7, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ xã Giao An, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến đối với Dự thảo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030; dự thảo quyết định phân công nhiệm vụ đối với các đồng chí trong Ban Thường vụ và Ban Chấp hành phụ trách các chi bộ trực thuộc.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thọ Lập công bố các quyết định về công tác tổ chức và cán bộ
Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thọ Lập vừa tổ chức hội nghị Ban chấp hành lần thứ Nhất, công bố các quyết định về công tác tổ chức và cán bộ; triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội năm 2025.

Đại hội Đảng bộ Ban Chỉ huy Phòng thủ khu vực 4 - Hồi Xuân lần thứ nhất
Đảng bộ Ban Chỉ huy Phòng thủ khu vực 4 - Hồi Xuân vừa tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.