Nhiều ngành của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có điểm chuẩn tăng từ 9 tới gần 11 điểm như Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (tăng 10,95 điểm), Công nghệ thông tin (tăng 10 điểm), Kinh doanh quốc tế (tăng 9,9 điểm),...
Ngành Luật của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nếu năm 2020 có điểm chuẩn là 15 thì năm nay tăng lên 24 điểm (tăng tới 9 điểm so với năm 2020).
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dao động từ 15 - 22,35 thì năm nay, điểm chuẩn vào các ngành của trường này đều tăng lên đáng kể, dao động từ 18 - 26 điểm.
Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Đào Tùng - Phó Giám đốc Học viện Tài chính chỉ ra 4 nguyên nhân chính khiến điểm chuẩn năm nay tăng cao so với năm ngoái ở một số ngành/trường học.
Nguyên nhân thứ nhất là do số lượng thí sinh dự thi đông, hơn 1 triệu thí sinh dự thi dẫn đến việc số lượng đăng ký vào đại học, cao đẳng tăng so với năm ngoái.
Nguyên nhân thứ 2 mà TS Nguyễn Đào Tùng chỉ ra liên quan đến điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay.
“Điểm thi năm nay cao, phổ điểm 7,5- 8,5 nhiều hơn so với năm ngoái. Đặc biệt, phổ điểm môn Tiếng Anh và GDCD tăng cao nên những tổ hợp môn có Tiếng Anh hoặc GDCD sẽ tăng cao. Nhưng thực tế, điểm chuẩn tăng mạnh ở một số trường đại học top giữa và top dưới. Các trường đại học top trên điểm chuẩn tăng không đáng kể so với năm ngoái” - ông Tùng nói.
Nguyên nhân thứ 3 là do các hình thức xét tuyển của các trường năm nay nhiều hơn và chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng điểm thi ít đi. Chẳng hạn hình thức xét bằng học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, sử dụng chứng chỉ IELTS Academic, Cambridge, TOEFL iBT,...
“Thường các em điểm cao hẳn sẽ chọn xét tuyển bằng điểm thi. Những bạn điểm thấp hơn một chút, đỗ đại học theo các hình thức còn lại đã xác nhận nhập học. Như vậy, chỉ còn lại các em nguyện vọng cao hẳn, hoặc không đỗ được hình thức khác sử dụng xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là nguyên nhân tạo ra khoảng cách điểm chuẩn giữa các nhóm ngành/trường học” – ông Tùng nhận xét.
Bên cạnh 3 nguyên nhân chính như đã nêu trên, lãnh đạo Học viện Tài chính chỉ ra một nguyên nhân nữa mang tính chủ quan. Cụ thể là điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn so với năm ngoái khiến các thí sinh và phụ huynh rơi vào trạng thái chủ quan, an tâm “ảo”.
“Khi công bố điểm chuẩn, Bộ GDĐT, các chuyên gia, thầy cô đã khuyến cáo rất nhiều lần trên các phương tiện truyền thông. Nhưng nhiều thí sinh vẫn chủ quan và chỉ đăng kí nguyện vọng vào những trường top đầu, trường mà các em yêu thích hay những trường có điểm chuẩn năm ngoái tương đương điểm thi năm nay của các em và không đăng kí thêm các nguyện vọng dự phòng. Đây cũng là lí do đáng tiếc khiến nhiều em 25, 26 điểm nhưng hiện nay vẫn chưa trúng tuyển nguyện vọng nào” – ông Tùng nhấn mạnh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.